Trưởng thành từ ngôi nhà có 40 anh chị em

Mẹ mất từ khi còn là em bé ẵm ngửa, Phong về Làng trẻ em SOS Gò Vấp với mẹ Nguyễn Thị Hạnh lúc mới 7 tháng tuổi. 26 năm đã trôi qua, đứa trẻ ấy nay đã lớn khôn cùng với hơn 40 anh chị em khác trong nhà. 

Lê Hoàng Phong (26 tuổi) – đứa trẻ bé như cây kẹo mà mẹ Hạnh đón vào vòng tay năm nào đang đứng trên bục giảng lớp tiếng Anh dạy cho 35 học trò ở Tây Ninh.  

Lớn lên trong yêu thương của mẹ 

Phong bắt đầu đứng lớp từ tháng 9 -2017, đến nay đã là hai học kỳ.  Trừ những lúc chuyển slide trình chiếu hay phải ghi bảng đen, suốt hơn một tiếng, thầy giáo trẻ tuổi lăng xăng chạy quanh dãy bàn của 7 “ngôi nhà” trong lớp tiếng Anh được đặt tên theo 7 tính cách: nhà Confident (tự tin), nhà Bouncy (hoạt bát), nhà Courageous (can đảm), nhà Cognitive (nhận thức), nhà Energetic (năng lượng)…  

“Việc chia lớp học thành các nhà là ý tưởng tôi lấy từ Làng trẻ em SOS. Trong Làng cũng chia thành các nhà, có mẹ, có anh chị em trong nhà”, Phong kể. Với Phong, ký ức tuổi thơ là ngôi nhà phía trước có mảnh vườn nhỏ, có cây mai già và nhất là có một người mẹ yêu thương hết mực dù anh đã sớm chịu cảnh mồ côi. Những gì Phong được người lớn kể lại là anh được một gia đình trong xóm nhận về nuôi sau khi mẹ mất lúc ba tháng tuổi vì bệnh tật. Không có sữa mẹ nên chỉ uống nước cơm, nước cháo. Lúc về với mẹ Hạnh ở Làng trẻ em SOS Gò Vấp thì Phong như con mèo con vì bị suy dinh dưỡng độ ba, bé tí bé teo. [Mẹ Hạnh đã nuôi Phong vất vả như thế nào thời sơ sinh? Cần cụ thể và xúc động hơn mới thấy rõ được tình yêu thương của mẹ Hạnh] Rồi Phong lớn lên, đi học, vào lớp 1, vào cấp 2, học đại học. Vừa hết đại học thì anh nhận học bổng du học hệ Thạc sĩ nghành Quản lý giáo dục tại Malaysia. 

“Phong lành tính. Hồi nhỏ cũng có nhiều lúc lì lợm lắm nhưng chăm học. Sau này nó vào đại học rồi được học bổng đi du học ở Malaysia, cô mừng lắm vì con học hành thành tài”, cô Hạnh – mẹ Phong kể. Ngày Phong học xong cấp ba, đăng ký thi đại học ngành quản lý giáo dục, nhiều người cũng nói vào nói ra nhưng mẹ Hạnh luôn ủng hộ, động viên con. “Hồi đó có mấy người cứ hay bảo nó là trẻ mồ côi, chọn học ngành nào mà sau này kiếm việc dễ chứ không có người thân thích học quản lý giáo dục sau này không kiếm được việc làm đâu”, mẹ Hạnh nhớ lại. 

Thế nhưng “thằng Phong” giờ đã là thầy giáo tiếng Anh, là phiên dịch viên, tham gia rất nhiều chương trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, mỗi tháng ngoài đồng lương giáo viên, có thể kiếm được trên dưới 1000 USD. Chiều tối thứ 7 gọi điện cho cô Hạnh, cô bảo Phong mới về làng, đang nằm vật ra ngủ vì đi phiên dịch từ sáng tới giờ. “Đi dạy ở Tây Ninh nhưng hầu như cuối tuần nào nó cũng về đây đi làm sự kiện, hội nghị, hội thảo khắp nơi”, cô tự hào kể.  

Thế nhưng có được thầy Phong của ngày hôm nay là cả một hành trình dài có nỗ lực của bản thân Phong cùng với yêu thương của mẹ. Tiếng Anh của Phong suốt thời cấp ba cũng chỉ đủ để thi qua môn. Vào đại học, ý thức được ngoại ngữ quan trọng cậu rất cố gắng học và xin mẹ đi học ở trung tâm. “Mẹ rất thương tôi, tôi xin đi học ở ngoài, mua sách vở học tiếng Anh mẹ đều cố gắng lo. Lúc tôi bảo với mẹ rằng muốn đi học ở trung tâm, mẹ đã đi vay tiền của chị gái để đóng tiền học phí vì cùng lúc mẹ phải chăm lo cho hơn 10 anh em trong nhà”, giọng Phong trầm xuống vì xúc động.  

Ngoài mẹ Hạnh, một người anh thường xuyên hỗ trợ Làng trẻ em SOS Gò Vấp cũng thường động viên Phong. Anh cũng chính là người “mai mối” Phong đến phiên dịch tại các sự kiện tiếng Anh. Ngay từ năm hai đại học Phong bắt đầu bập bõm tham gia phiên dịch sự kiện, dần dần ngồi dịch cabin. “Ban đầu tôi sợ lắm, vì dịch cabin đòi hỏi phải phản xạ nghe rất nhanh, quan sát thái độ của người nói để có thể diễn tả đúng điều họ muốn diễn đạt. Nhưng có một điều mà tôi học được từ các anh chị mà tôi may mắn gặp được trong đời đó chính là niềm tin vào bản thân. Chỉ cần tin rằng mình sẽ làm được, cố gắng đi qua những khó khăn thì thành quả sẽ đến”, Phong chia sẻ.  

Dẫn dắt bằng yêu thương 

Bây giờ, Phong đang gieo niềm tin đó đến cho học trò của mình ở lớp học tiếng Anh. Phong hiện là giáo viên (fellow) của dự án Teach For Vietnam – một dự án giáo dục cộng đồng cho trẻ em vùng sâu vùng xa được triển khai lần đầu tiên ở Tây Ninh. Trở thành thầy giáo khi đang dang dở dự án thạc sĩ ngành giáo dục ở Malaysia cũng là cái duyên để Phong trở về vùng quê nghèo nơi Phong đã sinh ra để giúp đỡ các em nhỏ. 

“Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện tiếp tục học chuyên ngành quản lý giáo dục ở nước ngoài hay chọn lựa về nước dạy tiếng Anh ở một ngôi trường nghèo. Nhưng khi phỏng vấn tôi ngay lập tức đã bị thuyết phục. Tham gia dự án tôi được huấn luyện, học hỏi từ chuyên gia giáo dục hàng đầu, đưa sáng kiến dạy học của mình vào những lớp học do chính mình đứng lớp. Và trên hết là mang đến cho các em nhỏ ở những miền quê nghèo môi trường học tiếng Anh thật tốt và biết đâu sẽ cho các em những cánh cửa mới để  bước vào đời”, Phong chia sẻ.   

Ở lớp học của Phong, hầu hết các em nhỏ đều có gia cảnh khó khăn hay cha mẹ ly tán... “Mỗi ngày tôi đi xe máy gần một tiếng đồng hồ để đến lớp dạy. Nhìn tụi nhỏ nhiều đứa phải đạp xe 10 cây số trên đường lộ nắng chang chang đầy khói bụi để đến trường thấy thương lắm”, Phong kể. Halloween, Giáng sinh, ông thầy đều bày tiệc cho tụi nhỏ “vừa chơi, vừa học tiếng Anh”. Ông thầy lọ mọ mua đồ chơi, mũ nón, giăng đèn nhấp nháy trong lớp học, dán hình trang trí khiến lớp học đầy không khí lễ hội cuối năm. Thầy giáo trẻ thật thà: “Đến cả thầy nó cũng chưa từng được chơi, giờ làm cho tụi nhỏ chơi, mình chơi ké”.  

Bảy “ngôi nhà” mà Phong lấy 7 loại tính cách để đặt tên cũng là những tính cách mà anh mong muốn các học trò lựa chọn để rèn bản thân. “Giống như trong truyện Harry Potter, học sinh được chiếc mũ phân loại vào hai nhà, học trò lớp của tôi cũng được chọn nhà mà các em muốn và cùng bỏ phiếu để bầu trưởng nhà. Tôi không chỉ muốn các em được học tiếng Anh mà muốn các em học được sự tự tin vào bản thân mình để làm bất cứ điều gì”, Phong chia sẻ. Trên bàn giáo viên có một cái cốc đựng những thanh gỗ bé xinh màu sắc sặc sỡ như que kem có ghi tên của các học trò. Thỉnh thoảng thầy lại rút thăm “kiểu may rủi” gọi học trò tham gia vào các hoạt động của lớp học. Mục đích là để các em nhút nhát “không đứng ngoài mà cũng không cảm thấy mình bị quan tâm đặc biệt”. Gọi là rút thăm nhưng thực ra những lúc đó, thầy đã đưa vào tầm ngắm em học sinh nào đó rồi nên khi “rút que kem”, nếu chẳng may rút không trúng tên em, thầy cũng “giả bộ” đọc tên em trên đó. “Mỗi fellow trong dự án Teach For Vietnam sẽ giảng dạy hai năm học. Nhưng tôi dự định sẽ đề xuất dạy thêm hai năm nữa. Tôi muốn theo các em cho hết quá trình học cấp hai, cho đến khi các em tốt nghiệp để có một nền tảng tiếng Anh tốt hơn”, Phong chia sẻ. 

Muốn ở bên mẹ nhiều hơn 

Cô Nguyễn Thị Hạnh – “bà mẹ 40 con” ở Làng trẻ em SOS Gò Vấp năm nay đã 61 tuổi, tháng 5-2018 cô đã về hưu, không còn là mẹ của ngôi nhà số 18 trong làng nữa. “Mẹ tôi không còn khỏe nữa, tôi muốn dành thời gian ở bên mẹ nhiều hơn”, Phong bảo. Học ở Malaysia anh vẫn gọi điện về thăm hỏi. Từ lúc về dạy học ở Tây Ninh, tuy ở khá xa nhưng cuối tuần Phong vẫn về Làng thăm mẹ, giúp đỡ các em nhỏ trong gia đình SOS của mình. Phong kể những ngày thơ ấu, Phong cùng các anh chị theo mẹ về quê những dịp lễ tết, đám giỗ. Đến giờ, khi đã trưởng thành, mỗi đứa một nơi thì mấy ngày tết, sinh nhật mẹ là ngày mà anh chị em Phong gặp nhau, ăn với mẹ bữa cơm. 

VŨ THỦY - Báo Tuổi trẻ ngày 19/07/2018