Tháng Mười Hai 25 2019

Text2Change - Nhắn tin để thay đổi

Dự án Text2Change là một sáng kiến của tổ chức SOS quốc tế được triển khai hiệu quả từ năm 2014 tại các quốc gia Sri Lanka, Nepal, Bangladesh và Cambodia nhằm tăng cường kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ tốt cho người làm công tác trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc và trẻ em thông qua việc lan tỏa thông tin bằng tin nhắn hàng ngày trên điện thoại di động góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực, xâm hại và bóc lột trẻ em tại gia đình, cộng đồng. Dự án sử dụng tin nhắn để lan tỏa thông tin thông qua các ứng dụng phổ biến gồm SMS/WhatsApp/Zalo Quicklearns thúc đẩy học hỏi, chia sẻ trong cộng đồng xã hội và cải thiện tình cảm, quan hệ giữa cha mẹ, người chăm sóc với các con của mình. Đồng thời, dự án cũng hướng đến tăng cường năng lực cha mẹ, người chăm sóc xây dựng một môi trường an toàn, thân thiện cho trẻ em và đảm bảo trẻ em lớn lên và được chăm sóc đầy đủ về thể chất, tinh thần, an sinh xã hội thông qua chất lượng kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ tốt. Cha mẹ, người chăm sóc được hướng dẫn các phương án giáo dục thay thế tích cực giảm thiểu mọi thái độ, hành vi tiêu cực ở trẻ em, thanh thiếu niên và phòng tránh các phương pháp kỷ luật bạo lực tại gia đình.

Tại Việt Nam, Dự án Text2Change được triển khai thí điểm tại tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ cho 300 cha mẹ, giáo viên, trẻ em và người chăm sóc thuộc Chương trình Làng trẻ em SOS Đà Lạt, Chương trình tăng cường gia đình, Trường Herman Gmeiner Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng. Kết quả dự án góp phần tích cực vào công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phát triển an sinh xã hội tại tỉnh Lâm Đồng.

Dự án được bắt đầu khởi động trong tháng 7/2019 và sau khi khởi động, Làng trẻ em SOS Đà Lạt cùng phối hợp với Làng trẻ em SOS Việt Nam, Làng trẻ em SOS khu vực châu Á và Công ty MobilTrain tiến hành triển khai nhắn tin đến người tham gia. Tính đến ngày 20/12/2019, dự án đã triển khai được 5 bộ tin nhắn đến 300 người tham gia dự án, bao gồm các chủ đề: (i) Sự tự tin; (ii) Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại gia đình và nơi làm việc; (iii) Phòng chống bạo lực và bắt nạt trong trường học; (iv) Lòng tin và sự tôn trọng; (v) Các vấn đề gia đình và sức khỏe cho phụ nữ. 

Chuyên gia SOS quốc tế và Công ty tư vấn MobilTrain thực hiện 02 lớp tập huấn trực tiếp và khảo sát nhu cầu của người tham gia dự án.

Các hoạt động tăng cường năng lực: đã triển khai được 2 khóa tập huấn cho người gia dự án

  1. Tổ chức Hội thảo tập huấn ngày 6-8/11/2019 cho 110 cán bộ và trưởng nhóm tại các địa bàn huyện Lâm Hà, Đơn Dương và trường phổ thông HGs, Làng trẻ em SOS Đà Lạt. Hội thảo tập huấn có sự tham gia của Lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Lâm Đồng cùng với Đài phát thanh truyền hình tỉnh Lâm Đồng phỏng vấn và đưa tin, phóng sự về hoạt động dự án. Hội thảo tập huấn được chuyên gia của Công ty tư vấn MobilTrain – Bà Laura thực hiện.
  2. Tổ chức Hội thảo nhân rộng cho 190 thành viên dự án tại các địa bàn dự án huyện Lâm Hà, Đơn Dương, trường phổ thông HGs và Làng trẻ em SOS Đà Lạt từ ngày 10-15/12/2019. Hội thảo tập huấn nhân rộng được cán bộ dự án và điều phối dự án Làng trẻ em SOS Đà Lạt tổ chức thực hiện.
  3. Duy trì các buổi thảo luận của 15 nhóm nhỏ tại địa bàn dự án nhằm đảm bảo các thông tin được chia sẻ và phản hồi kịp thời với các trưởng nhóm và điều phối viên dự án. Từ đó, các thành viên dự án các thành viên dự án học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm và khả năng ứng phó với các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trẻ em và phụ nữ trên cơ sở giới để áp dụng vào cuộc sống hàng ngày được tốt hơn.
  4. Duy trì thảo luận trực tuyến cùng chuyên gia quốc tế và công ty MobilTrain hàng tháng thông qua ứng dụng Skype, tăng cường sự tự tin cho người tham gia và thúc đẩy, khuyến khích họ thảo luận, trao đổi ý kiến và phản hồi về các chủ đề theo tin nhắn nhận được, từng bước thay đổi nhận thức và hành vi

Ý kiến người tham gia: 

Ý kiến chung:

Người tham gia dự án ngày càng thấy việc nhận tin nhắn và phản hồi tin nhắn như một món ăn tinh thần hàng ngày và đã có nhiều ý kiến phản hồi, trao đổi, trả lời về nội dung tin nhắn cũng như tích cực tham gia thảo luận nhóm để trao đổi, chia sẻ và hiểu sâu sắc hơn về thông điệp mà nội dung tin nhắn muốn truyển tải. Sự chia sẻ và lan tỏa tin nhắn đến nhiều người hơn là định hướng của dự án trong thời gian tới.

Một số ý kiến phỏng vấn:

Ông Cao Văn Phước 55 tuổi ở Tutra: "Khi tham gia chương trình dự án text2change nhắn tin nhắn, mới đầu tôi chưa nghĩ gì; về sau thấy rất bổ ích, mình đọc các tin nhắn đó để mình dạy cho con mình, thấy rất hữu ích cho cuộc sống của gia đình mình và tôi muốn hữu ích cho xã hội. Tôi mong Ban QLDA nhân rộng ra thêm nữa, dài dài hơn nữa để học hỏi thêm nhiều điều hay và tốt hơn"

Chị Nguyễn Thị Loan 44 tuổi, sống tại Thạnh Mỹ: "Qua chương trình này em rút ra nhiều kinh nghiệm cho bản thân, chẳn hạn như công việc hàng ngày của mình đôi khi có những công việc mình muốn bỏ cuộc, khi tham gia và học hỏi từ chương trình mình tự tin học và hướng dẫn cho con cái mình với những kinh nghiệm đã qua."