Ngày 20 tháng 11 hàng năm được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuyên bố và khởi xướng là Ngày trẻ em thế giới với mục đích khuyến khích tất cả các nước thành viên thúc đẩy trao đổi và hiểu biết lẫn nhau về trẻ em, tăng cường hành động phát triển phúc lợi và thúc đẩy phát triển an sinh xã hội cho trẻ em toàn cầu.
Ngày Trẻ em thế giới năm nay diễn ra trong bối cảnh hàng triệu trẻ em vẫn đang phải đối mặt với những hậu quả tàn khốc từ các cuộc xung đột vũ trang. Tại các vùng chiến sự, các em đang sống trong bối cảnh đầy khó khăn: mất đi nơi cư trú, mất gia đình, chịu những tổn thương về thể chất lẫn tinh thần. Ngay cả ở những khu vực không có xung đột, trẻ em cũng không tránh khỏi ảnh hưởng gián tiếp từ các cuộc chiến. Khi thế giới đối mặt với những xung đột ngày càng gia tăng và nghiêm trọng cũng là lúc sự an toàn và phúc lợi của trẻ em bị đe dọa.
Trong bối cảnh đó, tổ chức Làng trẻ em SOS khởi động chiến dịch toàn cầu "Stomping for Peace" nhằm trao quyền cho trẻ em bày tỏ mong muốn về môi trường sống an toàn, phát triển. Đây là chiến dịch quốc tế, hiện đang được triển khai tại 38 quốc gia với sự tham gia của trẻ em. Các em cùng nhau dậm bước để cất lên tiếng nói vì hòa bình, phản đối chiến tranh và yêu cầu quyền lợi chính đáng cho bản thân, đặc biệt là trong các vùng xung đột.
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm Công ước về Quyền Trẻ em vào ngày 20 tháng 11 năm 2024, Làng trẻ em SOS mang thông điệp đoàn kết này đến trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York, kêu gọi các nhà hoạch định chính sách thực hiện nghiêm túc Điều 38, Điều 6 (quyền sống, tồn tại và phát triển), và Điều 19 (bảo vệ khỏi bạo lực, lạm dụng và bỏ rơi) trong Công ước về Quyền Trẻ em. Những điều khoản này nhấn mạnh sự bảo vệ trẻ em trong các cuộc xung đột vũ trang, phòng ngừa bạo lực và xây dựng môi trường an toàn để trẻ em phát triển.
![]()
Chiến dịch truyền tải 4 thông điệp chính:
Học tập không ngừng: nhấn mạnh tầm quan trọng liên tục của việc học tập và giáo dục về quyền trẻ em, phúc lợi và sự phát triển.
Chủ động: Trao quyền cho trẻ em được tham gia và được lắng nghe, các quan điểm của trẻ em phải được xem xét và lồng ghép trong quá trình đưa ra các quyết định.
Hòa nhập: nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội hòa nhập, nơi mọi trẻ em đều có cơ hội phát triển và thể hiện bản thân. Bằng cách lắng nghe các em, chúng ta có thể tạo ra những ý tưởng tốt hơn cho một thế giới an toàn và công bằng, đồng thời đặt ưu tiên của các em lên hàng đầu.
Hợp tác: nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, và những người liên quan để cải thiện cuộc sống của trẻ em. Bằng cách làm việc cùng nhau, chúng ta tăng cường hiệu quả của các nỗ lực chung để cải thiện quyền lợi của trẻ em.
Thông qua phong trào này, Làng trẻ em SOS mong muốn gắn kết xã hội cùng hướng đến hòa bình mà trẻ em cần và xứng đáng được hưởng, đồng thời kêu gọi các chính phủ lắng nghe, học hỏi và hành động. Khi thực sự lắng nghe trẻ em, các nhà hoạch định chính sách có thể tìm ra những giải pháp sáng tạo mà họ chưa từng nghĩ tới, bắt nguồn từ góc nhìn và trải nghiệm độc đáo của những thành viên trẻ tuổi nhất trong xã hội.