img
img

Tăng cường gia đình

Hỗ trợ giáo dục

Ngăn ngừa trẻ bị mồ côi, bỏ rơi, thất học

Bên cạnh chương trình nuôi dưỡng trẻ em tập trung tại các Làng trẻ em SOS khắp cả nước, từ năm 2005, chương trình "Hỗ trợ cộng đồng" đã được thực hiện thí điểm tại Đà Lạt và Đà Nẵng nhằm giúp đỡ lâu dài cho trẻ em mồ côi vẫn còn sinh sống với người thân còn lại, trẻ em thuộc các gia đình khó khăn để các em được chăm sóc và đến trường.


Làng trẻ em SOS Việt Nam đang triển khai chương trình Tăng cường gia đình tại 07 tỉnh, thành phố gồm: Bến Tre, Cà Mau, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Nghệ An, Quảng Nam và Thái Bình. Tổng số trẻ em đã và đang được hỗ trợ từ chương trình là 3.852 cháu, trong đó đã dừng hỗ trợ 2.276 cháu vì gia đình đã thoát nghèo, chuyển nơi cư trú hoặc trẻ hoàn thành chương trình phổ thông và hiện đang hỗ trợ cho 1.576 cháu. Số gia đình đang tham gia chương trình là 1.559 gia đình. Tổng kinh phí cấp trong năm trên 6,7 tỷ đồng.

Chăm sóc dinh dưỡng, quần áo,...

Mức hỗ trợ 300.000đ/tháng/trẻ phổ thông, 900.000đ/tháng trẻ bậc Đại học, Cao đẳng
Nhân viên SOS cùng cán bộ xã, huyện đến tại nhà của trẻ để cấp hỗ trợ và hướng dẫn sử dụng kinh phí.

Hỗ trợ giáo dục

Bắt buộc đối tượng hưởng lợi trong độ tuổi đi học phải được đến trường, hỗ trợ giáo dục cho trẻ hưởng lợi thông qua việc xây dựng kế hoạch phát triển cá nhân trẻ (lồng ghép với kế hoạch phát triển gia đình), Nhân viên chương trình phối hợp với nhà trường và gia đình giúp trẻ học tập; Thường xuyên kiểm tra tình hình học tập của trẻ

Sức khỏe và chăm sóc khác

Hàng năm tổ chức khám sức khỏe cho trẻ hưởng lợi. Hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ của Chương trình và cho gia đình vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế tăng thu nhập, giảm nghèo. Tập huấn và tư vấn kỹ năng sống, Quyền trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, mở thư viện...

 

Ngăn ngừa trẻ bị mồ côi, bỏ rơi, thất học

Làng trẻ em SOS Việt Nam đã hỗ trợ hơn 3000 gia đình như gia đình chị Hà từ năm 2006 đến nay, giúp trẻ em thuộc hàng ngàn gia đình khó khăn không bị bỏ rơi, thất học và phải lao động sớm.
Bạn có thể hỗ trợ lâu dài cho các em chỉ với 300.000đ/tháng.

Tài trợ lâu dài

 

NHỮNG CÂU CHUYỆN


Trẻ em cần bạn đỡ đầu đang hằng ngày cố gắng vươn lên từ khó khăn.
Hãy cùng trẻ viết nên những trang mới tươi đẹp cho cuộc đời.

Năm 2006, do hoàn cảnh gia đình, hai mẹ con Hạnh Nguyên chuyển từ vùng kinh tế mới Lâm Hà lên Đà Lạt thuê nhà sinh sống. Mẹ bị bệnh khớp không lao động nặng được, hàng ngày nhận len về đan gia công và nhận chăm sóc trẻ nhỏ cho hàng xóm với thu nhập tổng cộng 300.000 đ/tháng nuôi con ăn học. Chương trình Tăng cường Gia đình của tổ chức SOS tại Lâm Đồng bắt đầu hỗ trợ cho em 250.000 đ/tháng từ tháng 10 năm 2006.

Trong kỳ thi tuyển sinh năm 2009, Hạnh Nguyên đã trúng tuyển vào trường Đại học Ngân hàng  TPHCM (26,5 điểm) và Đại học Y dược TPHCM (25 điểm). Ngày 22/11/2015, Hạnh Nguyên đã chính thức tốt nghiệp ngành Bác sĩ Y khoa. Với tấm bằng tốt nghiệp loại khá, em được nhận vào làm việc tại Khoa Tim mạch Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM. Với tâm nguyện giúp đỡ và chăm sóc cho bệnh nhân nghèo, hơn 2 năm qua em luôn sắp xếp thời gian để tham gia các chương trình khám chữa bệnh từ thiện trên khắp mọi miền của đất nước.

Đi bộ men theo con đường đất đỏ gập ghềnh chọc xuyên nhiều bụi rậm, chúng tôi mới tìm được đến nhà em Ngọc (sinh năm 2002), một cá nhân tiêu biểu được chương trình Hỗ trợ cộng đồng trực thuộc Làng trẻ em SOS Bến Tre nuôi dưỡng tại cộng đồng với mức chi phí 300,000vnđ/tháng từ ngày 01/7/2016 đến nay.

Ngọc trưởng thành trong một hoàn cảnh khá khắc nghiệt khi chẳng may thần trí của cha không được tường minh, phải điều trị lâu dài tại bệnh viện tâm thần từ năm 2011. "Còn mẹ đi làm ăn xa, khi nào giàu mẹ sẽ liên lạc với em sau" - Ngọc cho hay.

Hiện em đang sống cùng anh Hai trong một căn nhà gạch nhỏ nhắn khuất sâu đến nỗi điện cũng không thể đến được. Nhưng ngôi nhà nhỏ ấy, theo cách nói vui của mọi người, lại là một bảo tàng giấy khen đồ sộ đối với Ngọc và anh Hai. Mỗi ngày anh Hai em đi gói kẹo để em có thể đến trường. Và chính từ nơi tối tăm ấy, Ngọc vẫn tỏa sáng như một chú đom đóm nhỏ với rất nhiều năng lượng tích cực và hoài bão về tương lai.

Trong chuyến đi khảo sát thực tế, chúng tôi được nghe câu chuyện ông Trương Văn Tuấn kể lại: “Lúc vợ mới mất, hoàn cảnh của tôi thật là bi đát, tôi không có nghề nghiệp ổn định cũng không có đất đai, ruộng vườn gì cả, phải ở đậu trên đất mẹ ruột, mẹ tôi cũng vô cùng nghèo khó, nhà tôi luôn thuộc hộ nghèo lại phải nuôi hai đứa con đang trong độ tuổi ăn học, đứa lớp 8, đứa lớp 4, chắc là chúng sẽ phải nghỉ, tiền ăn còn không đủ, kể chi đến việc học dù biết mấy đứa ham học lắm!”

Nhận thấy ông Tuấn có ý chí vượt khó nên ngoài việc cấp kinh phí cho con ông Tuấn, chúng tôi cũng đã hỗ trợ vốn cho ông với số tiền là 07 triệu đồng để chăn nuôi dê phát triển kinh tế gia đình. Với số tiền này, ông Tuấn đã đầu tư mua 02 con dê nái ước khoảng 15 triệu đồng. Sau hai năm, ông đã hoàn vốn và trong chuồng còn 06 con (03 dê nái và 03 dê con). Hiện tại, việc chăn nuôi dê của ông Tuấn đã đi vào ổn định và đạt hiệu quả khá cao. Một cán bộ địa phương cũng cho chúng tôi biết thêm “Nếu không có gì thay đổi thời gian tới hộ ông Tuấn sẽ thoát nghèo, hai đứa con của ông sẽ được tiếp tục cắp sách đến trường và thành công trên con đường học vấn”.

Hoàng năm nay lên lớp 9 ở một xã thuộc TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Em sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn hơn các bạn đồng trang lứa khi thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Khi mới hơn 2  tuổi, ba mẹ của em đã qua đời do tai nạn giao thông. Hiện em đang sống cùng bà nội 84 tuổi. Quả thật, nhìn 2 bà cháu chật vật lo toan, chạy ăn từng bữa cũng đủ hiểu được nỗi khó khăn chất chồng như thế nào trong ngôi nhà ấy.
Từ bé, em đã rất nhút nhát, sợ người lạ. Em gần như thu hẹp mình, ít tiếp xúc và vui chơi với các bạn. Bởi lẽ, sau giờ học, em luôn tranh thủ về nhà phụ giúp bà. Những công việc như quét dọn nhà cửa, nấu cơm em đều làm rất tốt. Mặc dù với hoàn cảnh có nhiều khó khăn, em vẫn rất chăm ngoan và học tốt. Hành trang đến lớp của em mỗi ngày là chiếc xe đạp cũ kỹ, nhưng suốt 8 năm đi học, Hoàng luôn đạt thành tích xuất sắc. Em còn đi thi học sinh giỏi thành phố Vinh môn Lịch Sử. Em cũng tham gia thi rèn chữ đẹp cấp trường, nhận được giấy khen cùng giấy chứng nhận. Nhờ vào chương trình tăng cường gia đình mà bà cháu của Hoàng nhận được hỗ trợ từ chương trình, đảm bảo được bữa ăn, một số dụng cụ học tập và đặc biệt là từ những hoạt đông tư vấn như: phương pháp học tập, Quyền trẻ em, bình đẳng giới, khám sức khỏe... của Làng trẻ em SOS.

Trẻ em dưới 18 tuổi, đang đi học (nếu đang trong tuổi học tập), sinh sống ở tại cộng đồng, chưa  được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước, thuộc một trong hoàn cảnh sau
 
  1. Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ;
  2. Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, gia đình thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo;
  3. Trẻ em sống trong các gia đình thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo có bố hoặc mẹ bị tàn tật nặng hoặc bị tâm thần hoặc bị mất sức lao động.
  4. Trẻ em có cả cha mẹ bị tàn tật nặng hoặc bị tâm thần hoặc bị mất sức lao động phải nương tựa nhờ vào người thân (ông/bà nội/ngoại) nhưng gia đình người thân cũng thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo.

có thể liên hệ với 6 Làng trẻ em SOS địa phương sau để nộp hồ sơ nhận hỗ trợ từ chương trình.

Thái Bình

Nghệ An

Quảng Nam - Đà Nẵng

Lâm Đồng

Bến Tre

Cà Mau