img

CÂU HỎI THƯỜNG GẶP (FAQs)

VỀ LÀNG TRẺ EM SOS

Làng trẻ em SOS Việt Nam hoạt động dưới sự quản lý và điều hành của 2 phía: Làng trẻ em SOS Quốc tế và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội theo hiệp định ký ngày 22/12/1987.

Các chương trình, dự án của Làng trẻ em SOS Việt Nam đều hoạt động theo mô hình và tiêu chuẩn của SOS Quốc tế. Các bộ phận tại văn phòng phối hợp Quốc gia báo cáo trực tiếp, được đào tạo thường xuyên bởi các bộ phận liên quan tại văn phòng SOS Quốc tế - Khu vực Châu Á đặt tại Ấn Độ và triển khai, cập nhật kịp thời cho các chương trình, dự án của SOS tại Việt Nam. 

Làng trẻ em SOS Việt Nam đồng thời chịu sự quản lý của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Ban chỉ đạo Làng trẻ em SOS Việt Nam do Bộ điều động, nhận báo cáo định kỳ, kiểm tra thường xuyên và tạo điều kiện cho các hoạt động của Làng trẻ em SOS Quốc tế tại Việt Nam. Các Làng cơ sở tại địa phương cũng chịu sự quản lý và phối hợp của Sở LĐTBXH địa phương.

Về tài chính, phần lớn kinh phí cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện cho các chương trình, dự án đều do nguồn tài trợ của Làng trẻ em SOS Quốc tế. Những năm gần đây các nguồn kinh phí trong nước hỗ trợ cho Làng trẻ em SOS Việt Nam bắt đầu được thúc đẩy, trong đó có sự chung tay của chính quyền địa phương như: hỗ trợ 50% kinh phí và phối hợp triển khai chương trình Hỗ trợ cộng đồng nuôi dưỡng trẻ tại gia đình trên 6 tỉnh/thành phố (khoảng 7 tỷ đồng/năm), hỗ trợ tiền ăn cho trẻ theo chính sách chung của nhà nước tại một số địa phương.

Như vậy, Làng trẻ em SOS Quốc tế là tổ chức từ thiện phi chính phủ, phi tôn giáo, phi lợi nhuận. Nhưng tại Việt Nam và một vài quốc gia khác, Làng trẻ em SOS Quốc tế hợp tác cùng chính phủ để giúp đỡ tối ưu cho trẻ em tại nước sở tại - do đó chỉ còn là một tổ chức từ thiện phi tôn giáo, phi lợi nhuận mà thôi.

Có 17 Làng trẻ em SOS khắp cả nước và đón trẻ về nuôi dưỡng từ khắp các tỉnh thành trên cả nước, không chỉ giới hạn tại các tỉnh có Làng SOS. 

Ví dụ:

  • Một trẻ ở Dak Nong có thể được đón về Làng trẻ em SOS TPHCM hoặc Pleiku hoặc Đà Lạt. 
  • Rất nhiều trẻ ở Thái Nguyên có thể được đón về Làng trẻ em SOS Việt Trì hoặc Hà Nội.

Các trẻ không đủ điều kiện để vào các Làng trẻ em SOS (quá tuổi quy định, hoàn cảnh chưa đúng đối tượng tiếp nhận...) có thể được giới thiệu đến chương trình Hỗ trợ cộng đồng, Học bổng SOS, Học bổng Hermann Gmeiner hoặc các chương trình dạy nghề miễn phí của chúng tôi.

Tham khảo thông tin các Làng trẻ em SOS tại trang Nơi chúng tôi giúp đỡ hoặc click vào các link sau:

Bến Tre
Cà Mau
Đà Lạt - Lâm Đồng
Ðà Nẵng
Điện Biên Phủ - Điện Biên
Ðồng Hới - Quảng Bình
Pleiku - Gia Lai
Gò Vấp - Tp. Hồ Chí Minh
Hải Phòng
Huế - Thừa Thiên Huế
Mai Dịch - Hà Nội
Nha Trang - Khánh Hòa
Quy Nhơn - Bình Ðịnh
Thái Bình
Thanh Hóa
Việt Trì - Phú Thọ
Vinh - Nghệ An

  • Có 16 trường Mẫu giáo trực thuộc các Làng trẻ em SOS khắp cả nước, trong đó có trung bình 5% trẻ là trẻ em của các Làng SOS, và 95% là trẻ ở cộng đồng dân cư xung quanh Làng. 
  • Có 12 trường phổ thông mang tên người sáng lập Hermann Gmeiner được xây dựng cạnh Làng trẻ em SOS, trong đó 10 trường có đủ cả 3 cấp học. Trung bình 15% từ các Làng trẻ em SOS và 7% là học sinh nghèo ở cộng đồng xung quanh nhận học bổng.
  • Trẻ em tại các Làng trẻ em SOS được tạo điều kiện tối đa để tiếp tục theo học các trường Đại học - Cao đẳng - Trung cấp và học nghề theo năng lực và nguyện vọng sau khi hoàn tất chương trình học phổ thông. Rất nhiều em là Tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân trong và ngoài nước, có cuộc sống ổn định, tự lập tốt.
  • Có 1 trường Trung cấp nghề Hermann Gmeiner Việt Trì đào tạo hệ 2 năm chuẩn Quốc gia dành cho trẻ em nghèo tại cộng đồng không có điều kiện học tiếp. Các em hưởng học bổng toàn phần, ăn ở, sinh hoạt tại trường.
  • Có 3 xưởng dạy nghề tại Bến Tre, Nha Trang và Đà Nẵng dạy 1 năm 4 nghề (điện, nước, mộc, xây dựng) cho trẻ em nghèo nhận học bổng SOS.

Tham khảo thông tin các trường thuộc Làng trẻ em SOS Việt Nam tại trang Giáo dục - Đào tạo hoặc đọc Câu chuyện thành công của các em từ các chương trình, dự án.

Trẻ em tại Làng trẻ em SOS sống theo mô hình "Gia đình thay thế". Mỗi gia đình gồm có 1 người mẹ và 6-10 trẻ ở các độ tuổi khác nhau.

  • Người mẹ: là những phụ nữ không ràng buộc gia đình hoặc mẹ đơn thân, chăm sóc các con đêm lẫn ngày, là người yêu thương và dạy dỗ trực tiếp các con.
  • Anh chị em: trẻ lớn giúp mẹ chăm sóc và kèm cặp em nhỏ, các con trong nhà chia sẻ việc nhà với nhau để giúp đỡ mẹ.
  • Ngôi nhà: mỗi mẹ và các con sống ổn định trong các ngôi nhà riêng với nếp sinh hoạt riêng của từng nhà. 
  • Cộng đồng Làng: 12-20 ngôi nhà tạo nên một cộng đồng Làng, có nhân viên giáo dục hỗ trợ mẹ uốn nắn trẻ và tổ chức hoạt động lành mạnh cho các em.

Đây là gia đình thay thế ổn định, lâu dài của trẻ. Các con coi cha mẹ của mẹ SOS như ông bà ngoại, quê mẹ như quê mình, được về chơi mỗi dịp Lễ, Tết, nghỉ hè cùng mẹ. Thậm chí, một vài bà mẹ còn cúng giỗ cho cha mẹ ruột của những đứa con mồ côi của mình. Mẹ và Làng sẽ là người tổ chức gả chồng, cưới vợ, chăm sóc các cháu nội ngoại và hỗ trợ các con suốt đời như gia đình ruột thịt.

Tham khảo những câu chuyện thật về mô hình "Gia đình thay thế" tại Làng trẻ em SOS Việt Nam tại trang Blog.

VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐỠ ĐẦU - GIÚP ĐỠ LÂU DÀI

40% số tiền bạn đóng góp sẽ được dùng để mua thức ăn cho trẻ, 40% cho trẻ học hành, 10% cho việc chăm sóc y tế và 10% cho quần áo và các hoạt động khác của trẻ.

Bạn sẽ:

- Nhận thư cảm ơn, xác nhận đóng góp và báo cáo về gia đình/Làng trẻ em SOS mà bạn đỡ đầu 1-2 lần/năm

- Đến thăm trẻ trực tiếp tại làng 2 lần/năm. Vui lòng thông báo trước khi bạn đến để chúng tôi sắp xếp.

- Tặng quà cho trẻ và nhận quà của trẻ khi bạn đến thăm làng hoặc vào các dịp đặc biệt như sinh nhật, Trung thu, Tết...

- Bạn điền mẫu đăng ký trên website này, mẫu đăng ký ở mặt sau tờ rơi về chương trình hoặc gọi điện thoại trực tiếp đến số Hotline 0989737733.

- Nhân viên của Làng trẻ em SOS sẽ liên lạc với bạn, và hỗ trợ bạn tham gia đỡ đầu. Bạn sẽ được tư vấn rõ hơn và đầy đủ hơn về các hình thức và quy trình đỡ đầu hiện có tại Làng trẻ em SOS.

- Bạn nhận được mã đỡ đầu, câu chuyện về gia đình/Làng SOS bạn muốn đỡ đầu và một Lọ đựng tình thương kèm một món quà nhỏ.

- Bạn tiếp tục trở thành người đỡ đầu lâu dài cho trẻ bằng hình thức cài đặt chuyển khoản tự động định kỳ tại ngân hàng hoặc bằng thẻ tín dụng tại website.

3 cách sau đây giúp bạn không phải nhớ và mất công chuyển tiền đỡ đầu thủ công hằng tháng/quý/năm.

Lưu ý:

  • Chúng tôi khuyến khích bạn chọn chu kỳ Hằng tháng và chuyển vào ngày 05 hoặc 20 để Làng xác nhận dễ dàng hơn (công việc này hiện tại vẫn làm thủ công).
  • Bạn vui lòng ghi chú Mã đỡ đầu/Mã tài trợ "CG...... - Tháng/Năm" vào nội dung tài trợ.

 

Cách 1: Đăng ký tự động trừ tiền hằng tháng từ thẻ tín dụng tại website

- Chọn Hằng tháng/Monthly tại mục "Chu kỳ tài trợ" khi đăng ký đỡ đầu hoặc chuyển khoản tài trợ

- Tiến hành thanh toán bằng thẻ tín dụng bình thường

- Thông báo cho chúng tôi qua email/tin nhắn/điện thoại hotline 0989 73 77 33 là bạn mong muốn tự động trừ tiền định kỳ.

- Chúng tôi sẽ thao tác để đúng ngày đó tháng sau, thẻ của bạn sẽ tự động chuyển tiền.

 

Cách 2: Cài đặt chuyển khoản định kỳ (Standing Order) bằng Internet Banking 

Vui lòng liên hệ với ngân hàng của bạn để kiểm tra có chức năng này hay không và thực hiện như thế nào. Hiện tại, chúng tôi được biết Internet banking của Vietcombank hoặc Sacombankcho phép thực hiện thao tác cài đặt tự động chuyển khoản định kỳ từ tài khoản.

Sau đây là ví dụ về thao tác trên Vietcombank:

 

Cách 3: Đến ngân hàng của bạn, yêu cầu tự động trích tiền hằng tháng từ tài khoản của bạn vào tài khoản Làng trẻ em SOS Việt Nam và làm theo hướng dẫn. 

 

Chúng tôi mong muốn bạn đỡ đầu lâu dài cho trẻ tại các Làng trẻ em SOS vì quá trình nuôi dạy trẻ nên người rất dài và đòi hỏi nhiều nguồn lực. Tuy nhiên, bạn có thể ngừng đỡ đầu bất kỳ khi nào bạn muốn. Hãy thông báo cho chúng tôi để cập nhật thông tin dừng đỡ đầu.

Mọi khoản bạn đóng góp dù ít hay nhiều đều đáng quý và là nguồn lực để Làng trẻ em SOS nuôi dưỡng, giúp đỡ được nhiều trẻ mồ côi, bị bỏ rơi và có hoàn cảnh khó khăn hơn trong xã hội.

Làng trẻ em SOS mong muốn nhà tài trợ có thể đồng hành cùng các Làng, trẻ em SOS và những chương trình vì trẻ em khác của chúng tôi lâu dài nhất có thể, vì quá trình nuôi dạy trẻ thành người là một quá trình dài và cần nhiều nguồn lực, tình cảm từ cộng đồng.

Tuy nhiên, nếu bạn chưa có điều kiện tham gia đỡ đầu lâu dài, bạn có thể tài trợ một lần bằng một trong những cách sau:
- Chuyển khoản trực tiếp tại quầy tư vấn bằng thẻ ATM/Tín dụng
- Chuyển khoản tại website này, mục Tài trợ
- Lập lệnh chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng đến một trong những số tài khoản của Làng trẻ em SOS Việt Nam. 

TÀI TRỢ

Bạn có thể tặng tiền cho trẻ tuỳ hỉ vào các dịp Sinh nhật, Trung Thu, Tết... không giới hạn số lần và giá trị. Tất cả số tiền bạn tặng sẽ được để vào tài khoản tiết kiệm riêng của trẻ. Khi trẻ đủ 18 tuổi và cần dùng đến, Làng sẽ tổng kết và trao lại toàn bộ số tiền này cho trẻ. Trẻ có thể dùng số tiền này để học Đại học - Cao đẳng, học nghề, hoặc làm vốn để có thể tự lập kiếm sống. Như vậy, tất cả các khoản đóng góp của bạn sẽ luôn luôn là nguồn lực giúp trẻ chọn được con đường tốt hơn khi trẻ đối mặt với các sự kiện quan trọng trong đời.

Chúng tôi ghi nhận tấm lòng của bạn với trẻ, tuy nhiên, rất mong bạn hạn chế hoặc cực kì cẩn trọng khi tặng quà hiện vật cho trẻ. Những món quà không phù hợp có thể gây xáo trộn văn hoá gia đình trẻ, ảnh hưởng tiêu cực tới việc giáo dục và phát triển của trẻ. Vui lòng thông qua sự giám sát và đồng ý của bà mẹ, bà dì, Nhân viên giáo dục, Giám đốc Làng hoặc người giám hộ của trẻ trước khi tặng để đảm bảo món quà phù hợp và không ảnh hưởng tới cuộc sống của trẻ tại làng trẻ em SOS. Hãy cùng chúng tôi nghĩ cho trẻ, làm vì trẻ và bảo vệ trẻ khỏi những ảnh hưởng tiêu cực không đáng có từ những món quà.

Từ Tháng 07/2017, Làng trẻ em SOS tạm dừng chương trình kêu gọi đỡ đầu cho từng trẻ riêng biệt và chuyển sang hình thức kêu gọi đỡ đầu cả gia đình SOS gồm 6-10 trẻ. 

Rất nhiều nhà hảo tâm mong muốn gắn bó với 1 trẻ, nhưng vì lợi ích tốt nhất của trẻ, chúng tôi rất mong nhà hảo tâm thông cảm và đồng ý chia sẻ tình cảm với các con trong 1 gia đình.

- Lý do chuyển đổi từ đỡ đầu trẻ qua đỡ đầu Nhà gia đình: 

Qua một thời gian triển khai đỡ đầu trẻ, bên Làng nhận thấy hình thức này có một số ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của trẻ.

Ví dụ:

  • Người đỡ đầu thường chỉ chọn các bé xinh xắn, khỏe mạnh hoặc các bé rất nhỏ, các bé gái để đỡ đầu.
  • Khi đến thăm trẻ, người đỡ đầu chỉ quan tâm đến trẻ mà mình đỡ đầu.  
  • Có trẻ được nhiều người đỡ đầu, có trẻ có ít hơn hoặc không có ai đỡ đầu hoặc người đỡ đầu không đến thăm trẻ....

Tất cả những việc này khiến một số trẻ cảm thấy tủi thân, nảy sinh cảm giác tiêu cực, mặc cảm. Vì vậy, từ tháng 7/2017, Làng đã chuyển sang hình thức đỡ đầu Nhà gia đình để người đỡ đầu có thể san sẻ đồng đều sự quan tâm của mình đến các bé.

- Hình thức không thay đổi nhiều: 

Đỡ đầu cho toàn bộ trẻ trong 1 nhà (hoặc 2,3,4...nhà gia đình, tùy mong muốn của người đỡ đầu) không khác với đỡ đầu từng trẻ quá nhiều. 

  • Người đỡ đầu vẫn sẽ nhận câu chuyện của tất cả các trẻ trong gia đình, ảnh của các con, báo cáo hằng năm và thiệp chúc mừng (nếu có) vào các dịp đặc biệt.
  • Khi đến thăm, người đỡ đầu sẽ thăm chung cả nhà, dành sự quan tâm cho tất cả các trẻ trong nhà.

- Mức hỗ trợ tăng lên rất ít: 

300.000đ/1 nhà gia đình/1 tháng. Đỡ đầu Nhà gia đình có mức hỗ trợ tương đương với hỗ trợ cho 01 trẻ, chỉ khác là dành sự quan tâm cho toàn bộ trẻ trong nhà để tránh các ảnh hưởng tâm lý không tốt đến trẻ.

- Tiền tiết kiệm/tiền quà: 

Nếu người đỡ đầu có tình cảm đặc biệt với 1, 2 bé trong Nhà, ngoài chi phí hỗ trợ hàng tháng, người đỡ đầu vẫn có thể gửi thêm tiền quà/tiền tiết kiệm riêng cho các bé đó. Số tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản riêng của các bé, để tiết kiệm cho đến khi bé đủ 18 tuổi và cần để lập nghiệp, lập gia đình hoặc học tập lên cao tiếp.

VỀ VIỆC NHẬN CON NUÔI - GỬI TRẺ - GIỚI THIỆU TRẺ

Là câu hỏi Làng trẻ em SOS thỉnh thoảng nhận được từ những người có tấm lòng nhân hậu cũng như các cặp vợ chồng hiếm muộn con cái. Lúc nào chúng tôi cũng phải dừng lại thật lâu trước khi trả lời, vì đó là một câu hỏi mà người hỏi đã phải đắn đo rất nhiều để cất lên thành tiếng, thành chữ và chứa đựng một niềm mong mỏi, hi vọng, yêu thương quá lớn.

Thương lắm và cảm thông lắm tấm lòng của các anh chị, nhưng Làng trẻ em SOS rất tiếc không thể trao trẻ làm con nuôi.

Làng trẻ em SOS tôn trọng quyền tối cao của trẻ, đó là được gắn bó, liên hệ với gia đình ruột thịt của mình khi còn cơ hội, dù là cơ hội đó mong manh đến đâu.

Trẻ em tại Làng, dù là trẻ mà người thân còn lại của trẻ gửi vào Làng (ông, bà, chú, dì, cô, cậu, ba/mẹ bệnh tật, không có khả năng lao động...) hay là trẻ bị bỏ rơi trước cổng Làng, trong bệnh viên, không rõ cha mẹ là ai, đều có biên bản ghi nhận rõ ràng. Sau này nếu người thân của trẻ đến tìm lại dòng máu của mình, Làng đối chiếu hồ sơ và xác minh được đúng sự thật và người thân đó chứng minh mình có thể mang lại cuộc sống đảm bảo cho trẻ, thì Làng sẽ trả lại trẻ cho người thân, tất nhiên nếu có sự đồng ý của trẻ. Chúng tôi cam kết với gia đình của trẻ sẽ chăm sóc trẻ tốt nhất có thể cho đến khi trẻ trưởng thành dưới mái nhà SOS.

Không phải ai cũng có thể sẵn sàng để đón nhận một đứa trẻ vào gia đình mình, và những người mẹ SOS cũng vậy. Đón một đứa trẻ vào nhà mình là cả một sự kiện lớn của cả nhà, làm sao để con có ấn tượng tốt về ngôi nhà mới và có thể hòa nhập nhanh nhất, và tế nhị với những gì con đã trải qua trong quá khứ đế giúp con vượt qua. Đây là một kỹ năng các mẹ được đào tạo và tái đào tạo thường xuyên một cách chuyên nghiệp nhất có thể để nuôi dưỡng những đứa trẻ vào Làng. Các bà mẹ chúng tôi thường nói buồn với nhau "Mình nuôi con nhưng không có quyền giữ con lại bên mình". Khi những người mẹ SOS đã có tình cảm mẹ con thiêng liêng với trẻ, và một ngày nọ nếu người thân nào đó đến xin trẻ về, thì sự chia lìa có thể làm mẹ lẫn con đau đớn hằng tháng, hằng năm và có thể cả cuộc đời.

Do đó, chúng tôi hi vọng những nhà hảo tâm và cha mẹ hiếm muộn cùng Làng tôn trọng quyền của trẻ và tình cảm của những bà mẹ SOS để hỗ trợ trẻ được lớn lên tại Làng trẻ em SOS. Sự giúp đỡ bằng cách nhận đỡ đầu cho các con để có thể thăm hỏi, thư từ với các con thường xuyên như một người bạn mới sẽ đem thêm nhiều may mắn và yêu thương đến các con, để dù không sống chung với trẻ nhưng vẫn gắn kết và hỗ trợ các mẹ SOS nuôi dưỡng các con tốt nhất có thể và hạnh phúc với niềm vui giúp đỡ con đỡ đầu của minh có tương lai tươi đẹp phía trước.

Làng trẻ em SOS hoan nghênh và cảm kích sự quan tâm của bạn tới trẻ và giới thiệu trẻ cho Làng trẻ em SOS. Các Làng SOS luôn rộng mở đón những thiên thần nhỏ về Làng nuôi dưỡng và trao cho các con một tương lai tốt đẹp hơn.

Bạn vui lòng tham khảo những thông tin sau hoặc đọc thêm tại trang Trẻ SOS để biết thêm chi tiết khi bạn muốn giới thiệu một hoặc nhiều trẻ vào Làng trẻ em SOS.

I. ĐIỀU KIỆN NHẬN TRẺ VÀO LÀNG:

  1. Mồ côi cả cha và mẹ
  2. Trẻ bị bỏ rơi, không tìm thấy cha mẹ, chưa có người nhận nuôi dưỡng
  3. Mồ côi một bề, người còn lại mất tích không liên lạc được
  4. Mồ côi một bề, người còn lại bị tàn tật, bệnh tâm thần, bệnh nặng không có khả năng nuôi con
  5. Mồ côi một bề, người còn lại đang chấp hành án phạt cải tạo giam giữ
  6. Con ngoài giá thú, bà mẹ đơn thân bị tàn tật, bệnh tâm thần, bệnh nặng không có khả năng nuôi con
  7. Cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội
  8. Còn cả cha và mẹ nhưng cả cha và mẹ đều mắc các bệnh nan y, bệnh tâm thần và không có khả năng nuôi con
  9. Còn cả cha và mẹ, nhưng cả cha và mẹ đang chấp hành án phạt cải tạo giam giữ
  10. Còn cả cha và mẹ, nhưng cha hoặc mẹ đang chấp hành án phạt cải tạo giam giữ, người còn lại bị mất tích hoặc đi kết hôn với người khác, không nuôi con
  11. Cả cha và mẹ mất tích theo quy định của pháp luật
  12. Cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc
  13. Trẻ thuộc diện cần bảo vệ khẩn cấp theo quy định của pháp luật (bị lạm dụng tình dục, bạo hành, v.v)
  14. Mồ côi một bề, người còn lại tái hôn và không thực hiện nghĩa vụ nuôi con
  15. Còn cả cha và mẹ, nhưng cha mẹ ly hôn không ai nuôi trẻ

II. ĐỘ TUỔI

Dưới 10 tuổi, nếu có anh chị em ruột thì cho phép đến 12 tuổi.

III. SỨC KHỎE

Phát triển bình thường không có dị tật, khuyết tật, không bị nhiễm HIV, bệnh tâm thần.

IV. ĐỊA PHƯƠNG NHẬN TRẺ

Có 17 Làng trẻ em SOS khắp cả nước và đón trẻ về nuôi dưỡng từ khắp các tỉnh thành trên cả nước, không chỉ giới hạn tại các tỉnh có Làng SOS. 

Ví dụ:

  • Một trẻ ở Dak Nong có thể được đón về Làng trẻ em SOS TPHCM hoặc Pleiku hoặc Đà Lạt. 
  • Rất nhiều trẻ ở Thái Nguyên có thể được đón về Làng trẻ em SOS Việt Trì hoặc Hà Nội.

Tham khảo thông tin liên hệ các Làng trẻ em SOS để được hướng dẫn tại trang Nơi chúng tôi giúp đỡ hoặc click vào các link sau:

Bến Tre
Cà Mau
Đà Lạt - Lâm Đồng
Ðà Nẵng
Điện Biên Phủ - Điện Biên
Ðồng Hới - Quảng Bình
Pleiku - Gia Lai
Gò Vấp - Tp. Hồ Chí Minh
Hải Phòng
Huế - Thừa Thiên Huế
Mai Dịch - Hà Nội
Nha Trang - Khánh Hòa
Quy Nhơn - Bình Ðịnh
Thái Bình
Thanh Hóa
Việt Trì - Phú Thọ
Vinh - Nghệ An

V. TRẺ KHÔNG ĐỦ CÁC ĐIỀU KIỆN TRÊN?

Các trẻ không đủ điều kiện để vào các Làng trẻ em SOS (quá tuổi quy định, hoàn cảnh chưa đúng đối tượng tiếp nhận...) có thể được giới thiệu đến chương trình:

  • Hỗ trợ cộng đồng
  • Học bổng SOS
  • Học bổng Hermann Gmeiner
  • Các chương trình dạy nghề miễn phí của chúng tôi

Hãy liên hệ với Làng trẻ em SOS gần nhất để được tư vấn thêm bạn nhé!

Nếu trẻ đủ điều kiện để nhận vào Làng, những giấy tờ sau có thể cần để hoàn tất hồ sơ:

1. Đơn xin gửi trẻ vào Làng trẻ em SOS (người gửi trẻ viết đơn nêu rõ hoàn cảnh gia đình, có xác nhận của chính quyền địa phương).
2. Giấy chứng tử của cha mẹ hoặc giấy xác nhận cha mẹ đi tù, bị bệnh nặng hiểm nghèo có chứng nhận của ngành y tế.
3. Giấy khai sinh của trẻ (bản gốc và bản in sao 10 tờ)
4. Photo hộ khẩu của trẻ có công chứng.
5. Giấy khám sức khỏe của y tế trả lời trẻ không bị nhiễm HIV.
6. Học bạ của trẻ (khi có quyết định mới làm thủ tục chuyển trường)
7. Bản cam kết của đại diện thân nhân trẻ (có người làm chứng và xác nhận của chính quyền địa phương).
8. Giấy tờ liên quan đến tài sản thừa kế hoặc tài sản có giá trị của trẻ (nếu có).

Sau khi tiếp nhận thông tin muốn gửi trẻ, Làng trẻ em SOS sẽ:

1. Phiếu điều tra trẻ (nhân viên Làng ghi vào phiếu điều tra trong lúc trao đổi trực tiếp với trẻ và thân nhân gửi trẻ)
2. Xác minh thông tin của gia đình cung cấp
3. Quyết định của Giám đốc đón trẻ vào Làng (01 bản lưu hồ sơ, 01 bản gửi gia đình).
4. Thông báo với thân nhân và bà mẹ SOS đón con vào nhà (01 bản lưu hồ sơ, 01 bản gửi bà mẹ SOS).

Bạn vui lòng tham khảo những thông tin trên hoặc đọc thêm tại trang Trẻ SOS và liên hệ với Làng trẻ em SOS gần nhất để được tư vấn thêm bạn nhé!

Làng trẻ em SOS nhận được nhiều câu hỏi tương tự từ các phụ nữ mang thai và sẽ là bà mẹ đơn thân.

Trước hết, chúng tôi rất tiếc bà mẹ phải trải qua kinh nghiệm mang thai và nuôi con một mình, xin chia sẻ với các bà mẹ này. 

Tuy nhiên, theo điều kiện tuyển trẻ của Làng trẻ em SOS Việt Nam (xem các câu hỏi trên) thì bà mẹ mạnh khỏe, bình thường, có khả năng lao động không thuộc diện trẻ được ưu tiên đón vào các Làng SOS nuôi dưỡng.

Chúng tôi chỉ giúp đỡ được phần nào về kinh phí cho các bà mẹ trẻ qua chương trình Tăng cường Gia đình (Hỗ trợ cộng đồng) nếu địa phương có chương trình Hỗ trợ cộng đồng. 

Bến Tre
Cà Mau
Đà Lạt - Lâm Đồng
Ðà Nẵng
Thái Bình
Vinh - Nghệ An

Bạn vui lòng tham khảo thông tin liên hệ các Làng trẻ em SOS để được hướng dẫn tại trang Nơi chúng tôi giúp đỡ cụ thể về trường hợp của mình bạn nhé!