ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU
Về việc lựa chọn công ty luật
-
Bối cảnh và sự cần thiết
1.1. Làng trẻ em SOS Quốc tế
Làng trẻ em SOS Quốc tế (sau đây gọi tắt là SOSQT) là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận và phi tôn giáo, do Tiến sỹ Hermann Gmeiner người Áo sáng lập năm 1949 tại Cộng Hòa Áo. SOSQT là một tổ chức bảo trợ cho liên minh toàn cầu gồm 136 quốc gia và vùng lãnh thổ và hoạt động tại hơn 2500 địa điểm chương trình trên toàn thế giới.
Tầm nhìn của Làng trẻ em SOS là tất cả trẻ em đều cần có gia đình, lớn lên trong tình yêu thương, sự tôn trọng và an toàn.
Đặc biệt, Làng trẻ em SOS cung cấp dịch vụ chăm sóc lâu dài dựa trên mô hình gia đình thay thế cho những trẻ em mất đi sự chăm sóc của cha mẹ (dịch vụ chăm sóc thay thế) với 4 nguyên tắc sư phạm là: Bà mẹ, Anh Chị Em, Ngôi nhà và Ngôi Làng. Mô hình chăm sóc thay thế của SOS thường được tổ chức dưới hình thức một cụm gia đình SOS, nơi mỗi Bà mẹ SOS chăm sóc cho một nhóm trẻ em ở các độ tuổi khác nhau. Làng trẻ em SOS tạo ra một mái ấm yêu thương ổn định và lâu dài cho trẻ em mất đi nguồn nuôi dưỡng, nhằm mang lại cho các em một tuổi thơ hạnh phúc, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để các em dễ dàng hòa nhập với xã hội và trở thành những công dân có ích, có trách nhiệm khi trưởng thành.
Chúng tôi cũng làm việc cùng các gia đình và cộng đồng yếu thế để giúp tăng cường gia đình và cộng đồng yếu thế cũng như phòng ngừa tình trạng trẻ em bị bỏ rơi (dịch vụ tăng cường gia đình).
Năm 1995, SOSQT được công nhận là một tổ chức phi chính phủ có khả năng tư vấn cho Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc. Năm 2002, SOSQT đã xuất sắc vượt qua hơn 200 mô hình chăm sóc trẻ mồ côi để nhận giải thưởng nhân đạo quốc tế Conrad N. Hilton. Năm 2009, SOSQT được đề cử giải thưởng Nobel Hòa bình.
1.2. Làng trẻ em SOS Việt Nam
Ngày 22/12/1987, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (sau đây gọi tắt là Bộ LĐTBXH) và SOSQT đã ký Hiệp định hợp tác phát triển các Làng trẻ em SOS tại Việt Nam. Từ 2 dự án Làng trẻ em SOS ban đầu được triển khai ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đến nay, Làng trẻ em SOS Việt Nam (sau đây gọi tắt là SOS VN) đã phát triển với 69 dự án, bao gồm 17 Làng trẻ em SOS, 17 Lưu xá thanh niên, 6 Chương trình Tăng cường Gia đình, 16 Trường Mẫu giáo, 12 Trường PT Hermann Gmeiner và 01 Trường Trung cấp nghề. Trong đó, 17 Làng trẻ em SOS là những dự án nòng cốt nhận tài trợ của SOSQT và hiện đang hoạt động tại 17 tỉnh, thành phố bao gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Điện Biên, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Gia Lai, Bến Tre và Cà Mau. Mặc dù SOS VN gia nhập đại gia đình SOSQT khá muộn, nhưng hiện nay Việt Nam là quốc gia đứng thứ ba thế giới về số lượng các Làng trẻ em SOS và số lượng trẻ hưởng lợi, chỉ xếp sau Ấn Độ và Braxin.
Với các kết quả và thành tích đạt được của SOS VN, Chủ tịch nước đã trao tặng cho SOSQT Huân chương Hữu nghị (2018), trao tặng cho SOS VN Huân chương Lao động hạng nhất (2018) cùng nhiều bằng khen của Thủ tướng và các Bộ ban ngành.
2. Cơ sở pháp lý
2.1. Các văn kiện SOSQT đã ký kết với Bộ LĐTBXH hoặc SOSVN
- Năm 1987 Bộ LĐTBXH và SOSQT đã cùng ký vào Hiệp định phát triển các làng trẻ SOS tại Việt Nam. Đây là tài liệu cơ sở làm nền tảng cho sự hợp tác và bảo trợ của Làng trẻ em SOS Quốc tế hướng tới mục tiêu phát triển SOS VN (gọi tắt là Hiệp định năm 1987).
- Biên bản ghi nhớ vào các năm 1988, 1989, 1990, 1991, 1992 và 1994.
- Biên bản ghi nhớ ký năm 2009 về việc triển khai thực hiện Hiệp định năm 1987.
- Bản thỏa thuận thành lập Làng trẻ em SOS tại 17 tỉnh/thành phố và các dự án liên quan do Làng trẻ em SOS quốc tế tài trợ được ký kết giữa Bộ LĐTBXH, SOSQT và Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố.
2.2. Các văn bản do Chính phủ và Bộ LĐTBXH ban hành
- Nghị định 62/2022/NĐ-CP ngày 12/09/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Nghị định 58/2022/NĐ-CP ngày 31/8/2022 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của tổ chức Phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
- Nghị định 80/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam.
- Quyết định số 110/LĐTBXH-QĐ ngày 06/04/1988 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH về việc thành lập Ban Chỉ đạo SOS VN (đây là văn bản đầu tiên, đến nay đã không còn hiệu lực nữa).
Mỗi năm, Bộ LĐTBXH đều ban hành quyết định điều chỉnh thành viên và nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo – nếu có thay đổi (tham khảo Quyết định mới nhất số 768/QĐ-LĐTBXH ngày 23/8/2022 gần nhất).
- Quy chế Ban Chỉ đạo SOS VN, Ban Chỉ đạo Làng trẻ em SOS tại các tỉnh/thành phố, và Làng trẻ em SOS cơ sở, ban hành kèm theo Quyết định số 571/LĐTBXH-QĐ ngày 19/11/1990 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH (hiện không còn áp dụng nữa).
- Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo SOS VN ban hành kèm theo Quyết định số 1344/QĐ-LĐTBXH ngày 09/10/2008 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH (hiện vẫn đang áp dụng).
- Quy chế nhân viên SOS VN ban hành kèm theo Quyết định số 869/LĐTBXH-QĐ ngày 24/6/1995 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH (hiện vẫn đang áp dụng).
- Quy chế Làng trẻ em SOS cơ sở ban hành kèm theo Quyết định số 860/LĐTBXH-QĐ ngày 23/6/1995 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH (hiện vẫn đang áp dụng).
- Quy chế các Trường PT Hermann Gmeiner ban hành kèm theo Quyết định số 1757/LĐTBXH-QĐ ngày 23/12/1995 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH (hiện vẫn đang áp dụng).
- Quy chế các Trường mẫu giáo thuộc Làng trẻ em SOS ban hành kèm theo Quyết định số 71/LĐTBXH-QĐ ngày 23/01/1996 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH (hiện vẫn đang áp dụng).
2.3. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tại Việt Nam của Làng trẻ em SOSQT
- Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động tại Việt Nam số 501/CNV-HĐ do Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao cấp ngày 14/06/2022, có hiệu lực đến ngày 14/06/2025.
3. Mục tiêu mong đợi với nhà thầu được lựa chọn
3.1. Nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp của Hiệp định 1987, các Biên bản ghi nhớ đã ký giữa Bộ LĐTBXH và SOS KDI với pháp luật Việt Nam; đưa ra các giải pháp, khuyếnnghị cần bổ sung, sửa đổi Hiệp định/các Biên bản nghi nhớ.
3.2. Đánh giá địa vị pháp lý của Văn phòng Làng trẻ em SOS Việt Nam, bao gồm hoạt động gây quỹ trong nước. Đưa ra khuyến nghị địa vị pháp lý của Văn phòng Làng trẻ em SOS Việt Nam, loại hình của tổ chức “Làng trẻ em SOS Việt Nam”.
3.3. Đưa ra các khuyến nghị về cơ cấu tổ chức bộ máy của hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam, bao gồm: việc đưa ra các khuyến nghị dựa trên cơ cấu tổ chức bộ máy hiện tại cũng như mối quan hệ với các bên liên quan (Bộ LĐTBXH, SOSQT và các địa phương tiếp nhận viện trợ của SOSQT).
3.4. Đưa ra các khuyến nghị về hoạt động gây quỹ hợp pháp cho các Làng trẻ em SOS tại Việt Nam, bao gồm các giải pháp dự kiến.
3.5. Đưa ra các khuyến nghị với việc đăng ký hoạt động của SOSQT tại Việt Nam.
4. Các hồ sơ cần trình
- Biểu mẫu hồ sơ thầu (phụ lục 1)
- Biểu mẫu mô tả kinh nghiệm công tác (phụ lục 2)
- Các đề xuất kỹ thuật (phụ lục 3)
- Kế hoạch thực hiện công việc (phụ lục 4)
- Đề xuất tài chính (được niêm phong trong phong bì dán kín hoặc dưới dạng một file PDF riêng – phụ lục 5)
- CV (sơ yếu lý lịch) của các thành viên (nhóm nghiên cứu)
- 03 người tham chiếu (ít nhất 02 người phải biết rõ công việc của nhà thầu)
5. Ngôn ngữ và đồng tiền thanh toán khi dự thầu
- Bản đề xuất và tất cả các hồ sơ bổ sung phải được làm song ngữ (cả bằng Tiếng Anh và Tiếng Việt).
- Đồng tiền thanh toán trong đề xuất tài chính phải là tiền Việt Nam (VNĐ).
6. Quy trình nộp hồ sơ dự thầu
Sau khi hồ sơ được ký và đóng dầu đầy đủ, nhà thầu chuyển hồ sơ đến địa chỉ:
Văn phòng Làng trẻ em SOS Việt Nam
Ngõ 59, đường Phạm Văn Đồng, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội, VIỆT NAM.
Điện thoại: +84 24 37644019, số máy lẻ 181
Người nhận: Vũ Ngọc Hảo, Văn phòng Làng trẻ em SOS Việt Nam.
Vui lòng đảm bảo rằng đề xuất kỹ thuật và đề xuất tài chính được nộp riêng (đề xuất tài chính để trong phong bì dán kín có niêm phong). Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, các hồ sơ kỹ thuật sẽ được mở và đánh giá trước. Phần tài chính của những hồ sơ này (sau khi đã qua được bước đánh giá đề xuất kỹ thuật) sẽ được mở trong bước tiếp theo.
7. Thời hạn gửi hồ sơ dự thầu và thời gian thực hiện công việc
Hạn chót nhận hồ sơ dự thầu là 17h00 ngày 15/11/2022. Các hồ sơ gửi sau thời hạn trên sẽ không được xem xét.
Tổng thời gian thực hiện công việc của nhà thầu là 30 ngày từ kể ngày 2 bên ký kết hợp đồng.
8. Quyền lợi của Văn phòng Làng trẻ em SOS Việt Nam
Liên hệ với bất kỳ hoặc tất cả những người tham chiếu theo thông tin phía nhà thầu cung cấp
- Yêu cầu nhà thầu cung cấp thông tin dữ liệu bổ sung hoăc dữ liệu hỗ trợ khác
- Sắp xếp buổi phỏng vấn với nhà thầu;
- Thương thảo và ký hợp đồng với nhà thầu lựa chọn được xếp hạng cao nhất, nhà thầu đưa ra đề xuất giá tổng thể tốt nhất.
9. Đánh giá hồ sơ dự thầu
Sau khi mở thầu, mỗi hồ sơ dự thầu sẽ được đánh giá dựa trên yếu tố chuyên môn, mức độ đáp ứng yêu cầu đề ra, sau đó mới đến yếu tố về giá. Hồ sơ dự thầu được điểm đánh giá tổng thể tốt nhất (bao gồm cả yếu tố chuyên môn và giá) sẽ được xem xét phê duyệt. Bản đề xuất kỹ thuật được đánh giá dự theo tiêu chí về mức độ đáp ứng các mục tiêu chính đề ra. SOSVN có thể yêu cầu các nhà thầu cung cấp các thông tin bổ sung cho các dịch vụ đề xuất (thông qua hình thực trực tuyến hay phỏng vấn qua điện thoại).
Tiêu chí lựa chọn bao gồm:
- Chất lượng của các hồ sơ đề xuất nhằm đảm bảo khả năng đạt được các mục tiêu cũng như các giải pháp để đạt được từng mục tiêu.
- Chi phí được đề xuất trong hồ sơ là khả thi và hợp lý, có xét đến các nội dung khác trong hồ sơ.
- Kế hoạch thực hiện công việc/kế hoạch công tác là khả thi và đáp ứng các yêu cầu của chương trình.
- Kinh nghiệm và các thành tích của các tư vấn trong công tác đánh giá cùng các khuyến nghị của các tổ chức mà tư vấn đã từng làm việc.
10. Ký kết hợp đồng
SOS VN sẽ thông báo cho nhà thầu được lựa chọn qua thư điện tử và sẽ gửi mẫu hợp đồng trong vòng 07 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ để nhà thầu được chọn sẽ ký tên, ghi ngày trong hợp đồng và gửi lại hợp đồng đã ký cho Làng trẻ em SOSVN. Sau khi hai bên đã ký kết hợp đồng, đơn vị trúng thầu sẽ thực hiện việc cung cấp dịch vụ theo kế hoạch cung cấp dịch vụ và thời gian thực hiện công việc đã thống nhất.
-----------------------------------
Danh mục các Phụ lục
Phụ lục 1: Mẫu trình/xác định hồ sơ dự thầu
Phụ lục 2: Mẫu mô tả kinh nghiệm công tác
Phụ lục 3: Đề xuất kỹ thuật
Phụ lục 4: Kế hoạch thực hiện công việc
Phụ lục 5: Mẫu đề xuất tài chính
VUI LÒNG XEM TẠI ĐÂY: Bản tiếng Việt Bản tiếng Anh