CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 03 tháng  3 năm 2017


BÁO CÁO

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM 2016
 
  1. TÌNH HÌNH CHUNG VỀ LÀNG TRẺ EM SOS VIỆT NAM
Làng trẻ em SOS Việt Nam đang hoạt động tại 17 tỉnh/thành phố là Bến Tre, Bình Định, Cà Mau, Đà Nẵng, Điện Biên, Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Bình, Thanh Hóa, Gia Lai, Thái Bình và Thừa Thiên Huế, bao gồm:
  • 17 Làng trẻ em SOS (gọi tắt là Làng) và 12 Lưu xá thanh niên: đang nuôi dưỡng 2.954 trẻ, trong đó 1.955 trẻ ở tại 230 nhà gia đình (bình quân đạt 8,18 trẻ/nhà); 285 trẻ ở lưu xá thanh niên; 714 trẻ ở các ký túc xá hoặc thuê nhà để học chuyên nghiệp và sống bán tự lập... Số trẻ đã trưởng thành, cắt hỗ trợ tài chính từ trước tới nay là 2.092, trong số này có 619 cháu đã xây dựng gia đình. Trong năm 2016, các Làng đón mới 240 trẻ và công nhận cho 181 trẻ trưởng thành hoà nhập cộng đồng;
  • 06 chương trình Tăng cường gia đình: Năm 2016, hỗ trợ kinh phí cho 1.656 trẻ thuộc 1.636 gia đình ở cộng đồng để phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho trẻ được học tập, ngăn chặn tình trạng trẻ bị bỏ rơi tại Bến Tre, Cà Mau, Đà Nẵng (bao gồm cả trẻ của tỉnh Quảng Nam), Lâm Đồng, Nghệ An và Thái Bình;
  • 12 trường Phổ thông Hermann Gmeiner (PTHG): Năm học 2016-2017 có 10.659 học sinh (HS), trong đó có 1.543 HS đến từ các Làng SOS, chiếm 14,5%; 741 HS của cộng đồng dân cư quanh trường thuộc diện hộ nghèo được nhận học bổng do các trường PTHG cấp, chiếm 6,82%  tổng số HS;
  • 16 trường Mẫu giáo SOS (MGSOS): Năm học 2016-2017 có 2.677 HS, trong đó có 135 HS đến từ Làng, chiếm 5,04% trong tổng số HS;
  • 01 Trường Trung cấp Nghề Hermann Gmeiner Việt Trì: Hiện có 266 HS (234 là HS hệ trung cấp nghề, 32 HS hệ ngắn hạn), trong đó có 187 HS (chiếm 79,9% HS toàn trường) thuộc diện HS nghèo được cấp học bổng (trị giá mỗi suất khoảng 12 triệu đồng/năm);
  • 03 xưởng Dạy thực hành kỹ năng 4 nghề với 38 HS, trong đó 100% là học sinh nghèo được cấp học bổng;
  • Tổng số cán bộ, nhân viên, giáo viên, bà mẹ bà dì đang công tác trong hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam tính đến 31/12/2016 là 1.275 người, trong đó có 311 bà mẹ bà dì, 244 CBNV của Làng SOS cơ sở, 224 CBNV, giáo viên MGSOS; 435 CBNV, giáo viên khối trường PT Hermann Gmeiner; 26 CBNV, giáo viên trường Trung cấp nghề Hermann Gmeiner Việt Trì và 35 CBNV Văn phòng SOS Việt Nam
 
  1. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC MẶT CÔNG TÁC CỦA VĂN PHÒNG SOS VIỆT NAM
  1. Công tác tham mưu và phối hợp thực hiện nhiệm vụ
  1. Tham mưu cho Bộ LĐTBXH, Chủ tịch SOS Việt Nam, UBND các tỉnh/thành phố; phối hợp thực hiện nhiệm vụ với các cơ quan hữu quan
Năm 2016, Văn phòng SOS Việt Nam đã soạn thảo 56 văn bản, báo cáo trình Lãnh đạo Bộ LĐTBXH và các vụ chức năng về công tác quản lý tài chính, tài sản, thi đua khen thưởng, đoàn ra, đoàn vào; 09 văn bản trình Chủ tịch SOS Việt Nam để báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo về một số hoạt động của SOS Việt Nam và trình bổ nhiệm nhân sự cốt cán; 31 văn bản gửi Sở LĐTBXH và UBND các tỉnh/thành phố;
Trình Bộ văn kiện dự án hỗ trợ 50% kinh phí cho trực tiếp nuôi dưỡng trẻ ở cộng đồng năm 2016;
Phối hợp với Làng trẻ em SOS Việt Trì tổ chức cho đoàn khảo sát gồm đại diện Vụ Tổ chức-Cán bộ, Vụ Lao động-Tiền lương, Vụ kế hoạch – Tài chính, Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, Cục Bảo trợ xã hội đi khảo sát các đơn vị SOS tại Việt Trì, Phú Thọ;
Phối hợp với Văn phòng Bộ, Vụ Hợp tác quốc tế trình Chủ tịch Nước tặng Huân chương Hữu nghị cho Giáo sư Odol Vallet (Pháp)
Phối hợp với Văn phòng Bộ, Vụ Hợp tác quốc tế trình Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức lễ trao Huân chương Lao động Hạng Ba cho lãnh đạo Làng trẻ em SOS quốc tế;
Phối hợp với các sở Lao động-Thương binh và Xã hội hỗ trợ tổ chức kỷ niệm 20 năm Làng trẻ em SOS Cà Mau, Làng trẻ em SOS Hải Phòng và trường phổ thông Hermann Gmeiner Đà Nẵng; kỷ niệm 10 năm Làng trẻ em SOS Đồng Hới và Thanh Hoá; kỷ niệm 5 năm Làng trẻ em SOS Quy Nhơn và khánh thành giai đoạn 2 Làng trẻ em SOS Huế.
  1. Công tác Phát triển chương trình
  • Phối hợp cùng Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giải bóng đá dành cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn – Cúp Tôn hoa sen 2016;
  • Cùng Làng trẻ em SOS Hải Phòng tổ chức Trại hè 2016 cho các trẻ em tiêu biểu vào trung tuần tháng 6/2016;
  • Hợp tác với 3 công ty của tập đoàn DHL để thực hiện 3 đợt tư vấn nghề Go Teach cho đối tượng học sinh cấp 3 của các Làng trẻ em SOS ở 3 miền (tổng số 110 em được tham gia chương trình tư vấn nghề 3 ngày);
  • Triển khai dự án Future First hỗ trợ cho Làng trẻ em SOS Thanh Hóa và Quy Nhơn (Dạy tin học cho trẻ tại Làng; tổ chức các chuyên đề giáo dục cho trẻ; Dạy kỹ năng sống cho trẻ);
  • Phổ biến Chính sách chương trình cho cán bộ, nhân viên, giáo viên Làng trẻ em SOS Điện Biên Phủ và trường Hermann Gmeiner Điện Biên Phủ;
  • Hướng dẫn và đôn đốc các đơn vị nhằm tăng cường sự tham gia của trẻ em, của thanh niên vào các quyết định liên quan đến cuộc sống hiện tại và tương lai của trẻ;
  • Phổ biến và giới thiệu Chính sách Bình đẳng giới đến tất cả các đơn vị Làng trẻ em SOS và trường Hermann Gmeiner (chính sách, công cụ đánh giá việc thực hiện). Tổ chức cuộc thi vẽ tranh về đề tài Bình đẳng giới – trên cơ sở lựa chọn các tranh đạt giải đã tiến hành biên soạn cẩm nang về thực hiện chính sách Bình đẳng giới thân thiện và dễ hiểu đối với trẻ em;
  • Giới thiệu quy trình báo cáo và ứng phó về việc thực hiện Chính sách Bảo vệ trẻ em và xử lý các vi phạm về bảo vệ trẻ em đến toàn bộ lãnh đạo các đơn vị (Giám đốc Làng SOS, Hiệu trưởng HG, Hiệu trưởng MG, mầm non);
  • Hướng dẫn các Làng thành lập Câu lạc bộ trẻ (cả trẻ trai và trẻ gái) để giới thiệu cho trẻ các quyền, nghĩa vụ của trẻ và tạo sân chơi cho trẻ thể hiện năng khiếu, tài năng và là nơi trẻ có thể giao lưu học hỏi lẫn nhau;
  • Hợp tác với Quỹ học bổng Odon Valet tiến hành lựa chọn và tổ chức cấp học bổng Odon Valet cho 40 sinh viên học đại học là con của các Làng và 179 HS của các trường PTHG (gồm trẻ của Làng và cộng đồng) học giỏi, có thành tích xuất sắc trong học tập;
  • Tập huấn cơ sở dữ liệu chương trình cho 23 nhân viên của 17 Làng trẻ em SOS Việt Nam. Nội dung tập trung vào việc nâng cao năng lực về cơ sở dữ liệu cho nhân viên, góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu chương trình của SOS Việt nam theo yêu cầu của Văn phòng Châu Á;
  • Thực hiện đánh giá chương trình Tăng cường gia đình (còn gọi là Chương trình hỗ trợ cộng đồng) tại Đà Nẵng tháng 10 năm 2016. Sau hơn 10 năm triển khai đã và đang hỗ trợ cho khoảng 2.500 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 7 tỉnh: Bến Tre, Cà Mau, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Nghệ An, Thái Bình. Chương trình đã phần nào đáp ứng được nhu cầu cần hỗ trợ của trẻ, gia đình và cộng đồng, giúp cho nhiều gia đình và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nâng cao mức sống, nhiều em đã trưởng thành và có công ăn việc làm. Bên cạnh đó Đánh giá cũng chỉ ra một số điểm yếu về nhân sự, tài chính cần cải thiện trong thời gian tới;
  • Hướng dẫn 2 Làng trẻ em SOS Thanh Hóa và Quy Nhơn triển khai dự án FutureFirst do HSBC tài trợ. Trong năm 2016, 2 dự án này đã tổ chức các lớp tin học cho 220 trẻ em và thanh niên, tổ chức 5 đợt tập huấn kỹ năng sống cho 250 lượt trẻ và thanh niên. 2 dự án góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ giáo dục cho trẻ em và thanh niên;
  1. Công tác tài chính và tài sản
  • Năm 2016, Làng trẻ em SOS Quốc tế đã tài trợ 8.214.735 USD (tương đương trên 180 tỉ đồng, tăng khoảng 15.6 tỉ đồng so với năm 2015). Số kinh phí này bao gồm chi phí cho hoạt động thường xuyên của các chương trình, dự án; cho nâng cấp, bảo dưỡng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị thay thế của các đơn vị trong hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam. Bộ LĐTBXH cấp 2,5 tỉ đồng để thực hiện “Chương trình tăng cường gia đình nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ em bị bỏ rơi” (tương đương 50% kinh phí chi trực tiếp nuôi dưỡng trẻ). Văn phòng đã đôn đốc và giám sát các Làng trẻ em SOS trong việc đề nghị các địa phương cấp bù kinh phí để trẻ của Làng trẻ em SOS có mức nuôi dưỡng bằng với quy định mức tiền ăn của Nghị định 136/2013/NĐ-CP. Tổng số kinh phí các tỉnh/thành phố hỗ trợ cho các đơn vị cơ sở là 20.858.793.950 đồng (tăng 4.996.030.433 đồng so với năm 2015, để bổ sung tiền ăn cho trẻ theo tinh thần công văn số 1110/LĐTBXH-KHTC ngày 31/3/2015 của Bộ LĐTBXH về trợ cấp nuôi dưỡng tập trung theo quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP đối với trẻ em tại các Làng trẻ em SOS).
Toàn bộ nguồn tài trợ được Văn phòng SOS Việt Nam thực hiện đúng theo quy định hiện hành của Nhà nước. Các khoản viện trợ được trình Bộ LĐTBXH xem xét phê duyệt và trình Bộ Tài chính xác nhận viện trợ. Hai lần trong năm, Văn phòng SOS Việt Nam báo cáo các khoản viện trợ tới Bộ LĐTBXH (qua Vụ Kế hoạch Tài chính và Vụ Hợp tác Quốc tế), Bộ Kế hoạch - Đầu tư và PACCOM[1].
Văn phòng SOS Việt Nam đã hướng dẫn các đơn vị và giám sát chặt chẽ từ công tác lập dự toán đến chi tiêu theo các định mức quy định của SOS Quốc tế và SOS Việt Nam. Việc chuyển tiền hoạt động cho các đơn vị được dựa trên báo cáo chi tiêu quý trước và dự toán đã được duyệt của quý tiếp theo. Toàn bộ kinh phí chi tiêu của từng tháng, từng hạng mục của từng đơn vị được cập nhật vào phần mềm NAVISION để báo cáo trực tuyến với SOS Quốc tế kiểm tra, giám sát. Kết thúc năm tài chính, Văn phòng tiến hành thẩm tra quyết toán với từng đơn vị và tổng hợp báo cáo trình Bộ. Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam chịu sự kiểm toán độc lập của cơ quan kiểm toán quốc tế.
Việc mua sắm tài sản được thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và các nguyên tắc của Làng trẻ em SOS Quốc tế. Ngoài ra Văn phòng đã thường xuyên hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc mua sắm tài sản của các đơn vị.
Từ 2012 đến nay, bên cạnh việc thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng theo quy định của Nhà nước, Văn phòng SOS Việt Nam đã thực hiện và hướng dẫn các đơn vị trong hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam thực hiện công tác chống gian lận và tham nhũng theo quy định của SOS Quốc tế. 6 tháng và một năm Văn phòng Làng trẻ em SOS Việt Nam lập báo cáo gửi Bộ.  
 
  1. Quản lý công tác sửa chữa
Công tác sửa chữa, bảo dưỡng các công trình được phân cấp cho các đơn vị cơ sở. Cán bộ quản lý công tác xây dựng, sửa chữa của Văn phòng SOS Việt Nam thường xuyên kiểm tra, giám sát việc bảo dưỡng các công trình nhằm tăng tuổi thọ của công trình, ngăn chặn tình trạng xuống. Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng năm 2016, Làng trẻ em SOS Quốc tế đã quan tâm tài trợ kinh phí để nâng cấp, cải tạo nhiều hạng mục công trình
Tài sản được giao đến từng bộ phận, cá nhân trực tiếp quản lý và sử dụng.  Hàng năm tiến hành kiểm kê, thanh lý tài sản theo quy định.
  • Năm 2016, Văn phòng đã lập các báo cáo đề xuất Quỹ Hermann Gmeiner bổ sung dự toán sửa chữa. Cải tạo các hạng mục cấp thiết cho 09 Làng trẻ em SOS: Cà Mau, Bến Tre, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hải Phòng, Điện Biên Phủ và lập báo cáo đề xuất phát sinh xử lý hạng mục có nguy cơ nguy hiểm về kết cấu mái bê tông trường Mẫu giáo SOS Nha Trang;
  • Tiến hành thẩm tra quyết toán các hạng mục xây dựng Làng trẻ em SOS Thái Bình.
  • Giám sát, kiểm tra hoàn thiện công trình Nhà bán trú Trường PT Hermann Gmeiner Hải Phòng và sửa chữa lớn cơ sở vật chất Làng trẻ em SOS Vinh và Làng trẻ em SOS Đồng Hới.
  1. Công tác nhân sự
Tổng số cán bộ, nhân viên, giáo viên, bà mẹ bà dì đang công tác trong hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam tính đến 31/12/2016 là 1.275 người, trong đó có 311 bà mẹ bà dì, 244 CBNV của Làng SOS cơ sở, 224 CBNV, giáo viên MG SOS; 435 CBNV, giáo viên khối trường PT Hermann Gmeiner; 26 CBNV, giáo viên Trường Trung cấp Nghề Hermann Gmeiner Việt Trì và 35 CBNV Văn phòng SOS Việt Nam
Năm 2016, toàn hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam đã tuyển dụng mới 99 cán bộ, nhân viên, giáo viên, bà mẹ, bà dì. Trong đó, các Làng trẻ em SOS cơ sở đã tuyển dụng mới được 41 bà dì để đào tạo thay thế cho các bà mẹ, bà dì đến tuổi nghỉ hưu (đạt 42,7% so với kế hoạch); tuyển mới 36 CBNV, giáo viên mẫu giáo; các trường phổ thông Hermann Gmeiner đã tuyển mới 16 CBNV, giáo viên; Văn phòng SOS Việt Nam đã tuyển mới thêm 06 nhân viên.
97% tổng số CBNV, giáo viên, bà mẹ, bà dì các Làng trẻ em SOS cơ sở và Văn phòng SOS Việt Nam đã được thảo luận đánh giá và có kế hoạch học tập phát triển cho năm 2017. Việc tổ chức đánh giá hiệu quả làm việc và bình xét thi đua đã trở thành hoạt động thường niên vào mỗi dịp cuối năm.
Quy tắc ứng xử được triển khai thực hiện nghiêm túc tại Văn phòng SOS VN và tất cả các đơn vị trực thuộc. 100% CBNV, giáo viên, bà mẹ, bà dì đã ký Quy tắc ứng xử, trong đó 97% CBNV, giáo viên, bà mẹ, bà dì đã được nghe phổ biến về Quy tắc ứng xử.
Dưới sựu hướng dẫn của Làng trẻ em SOS Quốc tế, năm 2016, Văn phòng Làng trẻ em SOS Việt Nam đã tiến hành xem xét đánh giá lại cơ cấu tổ chức của Văn phòng Làng trẻ em SOS Việt Nam;
Văn phòng SOS Việt Nam đã trình Chủ tịch SOS Việt Nam bổ nhiệm 03 cán bộ gồm: Giám đốc Dự án Làng Cà Mau; Giám đốc Làng trẻ em SOS Huế; Hiệu trưởng Trường PT Hermann Gmeiner Hà Nội.
  1. Công tác đỡ đầu Quốc tế
Năm 2016, do tình hình kinh tế Châu Âu không ổn định, bị ảnh hưởng nhiều bởi nạn di cư và chính sách nhập cư từ Liên minh Châu Âu. Do vậy, số lượng người đỡ đầu Quốc tế có giảm đi. Tính tới 30/11/2016, tổng số người đỡ đầu quốc tế là 9.776 người (giảm 82 người so với năm 2015). Tuy nhiên, số tiền đóng góp từ người đỡ đầu quốc tế trong 2016 là 2.495.593,04 USD (tăng hơn 357.825,51 USD so với năm 2015). Nguồn kinh phí từ người đỡ đầu quốc tế chiếm khoảng 30% trong tổng số các nguồn tài trợ của Làng trẻ em SOS Quốc tế cho SOS Việt Nam để duy trì các hoạt động thường xuyên.
Bộ phận đỡ đầu của Văn phòng SOS Việt Nam giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa các Làng với Văn phòng Đỡ đầu Quốc tế và thực hiện tốt quy trình từ việc đăng ký đỡ đầu cho trẻ đến duy trì các hoạt động đỡ đầu. Năm 2016, bộ phận đỡ đầu quốc tế đã phối hợp với các Làng soạn thảo và gửi 19.534 lượt thư tới các cá nhân và tổ chức đỡ đầu vào tháng 6 và tháng 11. Chất lượng thư ngày càng được cải tiến, nâng cao cả về chất lượng và hình thức.
  1. Truyền thông và phát triển quỹ trong nước
Bộ phận truyền thông và phát triển quỹ (FDC) của Văn phòng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và quyên góp trong nước. Các hoạt động gây quỹ được áp dụng như: Gây quỹ trực tuyến thông qua các trang mạng xã hội như facebook, Đấu giá từ thiện online trên mạng xã hội, Pinterest...  
Điểm nhấn trong 2016 đó là tổ chức họp báo phát động người đỡ đầu với tên gọi “Lọ đựng tình thương” tại T.p Hồ Chí Minh vào 5/10/2016 với mục tiêu vận động được 1000 người đỡ đầu đến ngày 31/12/2016. Kết quả sau 3 tháng, chương trình đã thu hút 1.155 đăng ký đỡ đầu, trong đó có 619 người đã chuyển tiền giúp cho 523 trẻ với số tiền là 1.064.550.000 đồng.
Số tiền mà bộ phận FDC quyên góp được trong 2016 là 3.883.949.000 đồng. Ngoài ra, nhiều công ty tặng hiện vật như Công ty Pepsico Suntory tặng 100 thùng nước ngọt; Công ty Vistra tặng 20 chiếc xe đạp cho Làng trẻ em SOS Bến Tre; Công ty gạo Hoa Lúa tài trợ 200kg gạo; Công ty Oriflame Việt Nam tặng 20 phần quà cho 20 gia đình nhân ngày 01/6. . .
  1. Công tác  quản lý đoàn ra đoàn vào
Năm 2016, SOS Việt Nam đã đón tiếp 07 đợt khách quốc tế trong đó, có nhiều lãnh lãnh đạo cấp cao của Làng trẻ em SOS quốc tế đến thăm và làm việc như ông Helmut Kutin – Chủ tịch danh dự Làng trẻ em SOS Quốc tế, ông Siddhartha Kaul – Chủ tịch Làng trẻ em SOS Quốc tế, bà Gitta Trauernicht-Phó chủ tịch Làng trẻ em SOS bà Helene Wegmair Tsiotis cán bộ cao cấp của Làng trẻ em SOS Quốc tế và bà Shubha Murthi – Giám đốc Quốc tế phụ trách khu vực Châu Á. Tháng 04/2016, SOS Việt Nam cũng đã đón 01 đợt khách đến từ 14 nước khu vực Châu Á để tham dự Hội nghị các Giám đốc Phát triển chương trình. Ngoài ra, SOS Việt Nam đón tiếp 02 đoàn từ Văn phòng Châu Á đến làm việc, hướng dẫn và hỗ trợ cho SOS Việt Nam về nghiệp vụ. Các đoàn khách vào đã được Văn phòng Làng trẻ em SOS Việt Nam thông báo lịch công tác đến các đơn vị và báo cáo các cơ quan chức năng như Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an.
Trong năm 2016, SOS Việt Nam cử 09 lượt cá nhân/đoàn đi nước ngoài tham dự hội nghị, hội thảo và tập huấn gồm: Hội nghị tương tác cho các Chủ tịch/Trưởng ban chỉ đạo và Giám đốc Quốc gia tại Campuchia, Đại hội đồng lần thứ 20 của Làng trẻ em SOS Quốc tế tại Áo, Hội nghị tài chính Châu Á tại Lào; Hội nghị đỡ đầu Quốc tế khu vực Châu Á tại Ấn Độ; Định hướng công việc và tập huấn phát triển quỹ tại Thái Lan; Hội thảo khủng hoảng truyền thông và gây quỹ khu vực Châu Á tại Ấn Độ; Tập huấn đào tạo về điều tra và báo cáo/ứng phó về bảo vệ trẻ em tại Ấn Độ; Hội nghị đóng góp ý kiến cho dự án tiêu chuẩn chất lượng chương trình Làng trẻ em SOS tại Áo; Hội nghị phê chuẩn kế hoạch hành động về Chính sách Bình đẳng giới của các Hiệp hội thành viên tại Kenya. Các đoàn ra đều thực hiện đúng quy định của Nhà nước và Làng trẻ em SOS Việt Nam
  1. Hội nghị, hội thảo và đào tạo
Năm 2016 đã tiến hành đánh giá và chuẩn hoá lại chương trình đào tạo bà mẹ theo chuẩn theo hướng dẫn của SOS Quốc tế;
Hỗ trợ tổ chức một Hội nghị quốc tế về phát triển chương trình 4/2016;
Tổ chức một Hội nghị Giám đốc và Hiệu trưởng các trường phổ thông Hermann Gmeiner tháng 11/2016;
Tổ chức 01 khoá đào tạo cơ bản cho ứng cử viên bà mẹ, bà dì mới tuyển với thời gian là 05 tuần; 04 khóa bồi dưỡng nâng cao cho bà mẹ bà dì đang làm việc; 02 khóa tập huấn về bình đẳng giới cho khu vực phía Nam và phía Bắc. Nội dung tập huấn được xây dựng dựa trên nhu cầu đào tạo và phát triển của các cá nhân CBNV và bà mẹ bà dì. Các đợt tập huấn đã đáp ứng được nhu cầu công việc thực tế tại các Làng. Đánh giá và chuẩn hoá lại chương trình đào tạo bà mẹ theo hướng dẫn của SOS Quốc tế.
  1. Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)
Năm 2016, hệ thống công nghệ thông tin tại Văn phòng Quốc gia đã được chuẩn hóa cơ bản theo tiêu chuẩn SOS Quốc tế. Văn phòng cũng đã hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị trực thuộc triển khai, lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn.
Bộ phận ICT tại Văn phòng Quốc gia tiếp tục duy trì, cập nhật và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn SOS Quốc tế. Một số công việc thực hiện tiêu biểu trong năm 2016 như: Văn phòng Quốc gia và 16 Làng trẻ em sử dụng đường truyền internet leased line và có đường internet dự phòng, thực hiện cài đặt máy chủ PRTG để giám sát hệ thống mạng của Văn phòng và các đơn vị Làng trẻ SOS cơ sở, 100% máy tính văn phòng sử dụng phần mềm bản quyền, tập huấn cho nhân viên của các đơn vị về công nghệ thông tin và bảo mật thông tin... 
  1. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ
  1. Các mặt đạt được
Năm 2016, Văn phòng SOS Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ LĐTBXH, các Cục, Vụ chức năng của Bộ, của SOS Quốc tế, sự phối hợp, hỗ trợ của các Sở LĐTBXH và đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chủ tịch SOS Việt Nam đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để Văn phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Uy tín của SOS Việt Nam tiếp tục được củng cố với tổ chức SOS Quốc tế, các nhà tài trợ và với các địa phương.
Năm 2016, Làng trẻ em SOS Việt Nam được Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam vinh danh “Đã có đóng góp tích cực trong hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2016” và Kỷ niệm chương ghi nhận những đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam năm 2016 từ Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam.
Mặc dù kinh tế thế giới gặp khó khăn, đặc biệt là khối Liên minh Châu Âu bị ảnh hưởng bởi nạn di cư từ các nước Trung Đông và Châu Phi nhưng số kinh phí tài trợ từ người nước ngoài cho Việt Nam vẫn tăng hơn so với năm trước. Kinh phí từ ngân sách Nhà nước được Bộ LĐTBXH tiếp tục cấp để hỗ trợ cho Chương trình Tăng cường gia đình. Kinh phí của các địa phương hỗ trợ cho các đơn vị cơ sở tăng đáng kể sau khi có công văn số 1110/LĐTBXH-KHTC ngày 31/3/2015 của Bộ LĐTBXH về trợ cấp nuôi dưỡng tập trung theo quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP đối với trẻ em tại các Làng trẻ em SOS.
Văn phòng Làng trẻ em SOS Việt Nam đã đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc điều tra, khảo sát để tiếp nhận thêm bà mẹ, bà dì và trẻ vào Làng.
         Do năm 2016, mặc dù được điều chỉnh tăng lương nhưng tỷ lệ tự chủ tài chính của các trường Hermann Gmeiner vẫn tăng (tỷ lệ tự chủ chung của các trường HG năm 2014 là 82.68%, năm 2015 là 83,82% và 2016 là 85,15%). Một số trường đã đảm bảo được hoàn toàn tự chủ kinh phí như: trường PTHG Gò Vấp (9 năm liên tục), Hà Nội (3 năm), Cà Mau (3 năm). Riêng trường PTHG Bến Tre đã bứt phá về tỉ lệ tự đảm bảo kinh phí năm 2014 đạt 85,37%, năm 2015 đạt 97,22% và 2016 đạt 101,07%. Các trường đạt trên 80% (năm 2016) gồm Đà Lạt (88,96%), Hải Phòng (88,68%), Nha Trang (82,23%). Các trường có tỷ lệ tự chủ thấp dưới 50% gồm HG Thanh Hoá (31,04%), HG Điện Biên Phủ (25,84%) và trường trung cấp nghề Việt Trì (18,26%).
Đối với các trường MG SOS tự đảm bảo kinh phí năm 2014 đạt 76,56%, năm 2015 đạt 81,24% và năm 2016 giảm còn 80,50%. Trường MG SOS Gò Vấp đã tự đảm bảo hoàn toàn kinh phí hoạt động trong 3 năm liên tục. Các trường MG SOS có tỷ lệ tự chủ đạt trên 90% (năm 2016) gồm Đồng Hới (96,21%), Hà Nội (94,80%); các trường MG đạt 80-90% (2016) gồm Vinh (85,78%), Quy Nhơn (86,73%), Hải Phòng (84,09%); Bến Tre (83,73%) và đặt biệt, trường MGSOS Thái Bình mới đưa vào hoạt động nhưng đã đạt tự chủ 81,55%. Các trường MG có tỷ lệ tự chủ dưới 50% gồm Điện Biên Phủ (37,99%) và Cà Mau (48,29%).
Công tác phát triển quỹ có nhiều cố gắng và đột phá trong năm 2016, nhưng chưa đạt được kế hoạch đề ra.
Tài chính, tài sản của Văn phòng nói riêng và của toàn hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam nói chung được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, cơ sở vật chất được sử dụng hiệu quả, được đoàn kiểm tra về công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ đánh giá cao và khẳng định sự minh bạch trong công tác quản lý và sử dụng tài chính, tài sản. Hàng năm, cùng với việc thẩm tra quyết toán các đơn vị và ý kiến của cơ quan kiểm toán quốc tế, Văn phòng SOS Việt Nam đã kịp thời chấn chỉnh và yêu cầu các đơn vị khắc phục nên không để xảy ra sai sót lớn.
  1. Một số tồn tại cần khắc phục
  • Một số Làng SOS có số trẻ trung bình/nhà gia đình thấp hơn số trẻ trung bình/nhà gia đình của toàn quốc (8,18 trẻ/nhà) như: Pleiku (6,5), Thái Bình (7,7), Huế (5,7), Đà Lạt (7,5), Gò Vấp (7,05) và Đà Nẵng (7,8), Thanh Hóa (7,5);
  • Công tác khảo sát và tuyển dụng bà mẹ, bà dì của một số đơn vị vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Làng trẻ em SOS Pleiku thiếu bà mẹ để mở thêm gia đình SOS, Làng Đà Lạt, Đà Nẵng, Điện Biên Phủ, Gò Vấp và Vinh gặp khó khăn trong tuyển dụng bà mẹ bà dì. Trong năm 2015 và 2016 có đến 20 bà mẹ bà dì mới tuyển dụng xin thôi việc;
  • Giáo viên của một số trường xin thôi việc hoặc chuyển công tác sang các trường khác dẫn tới những tác động không tốt về mặt tâm lý của đồng nghiệp và phần nào ảnh hưởng đến sự ổn định của nhà trường;
  • Việc tổ chức học tiếng Anh, tin học cho các CBGVNV chưa được các đơn vị coi trọng. Hiện tại, số đơn vị thực hiện công tác trên mới chỉ chiếm khoảng 40% trên tổng số đơn vị;
  •  Một số văn bản cần sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới vẫn chưa được triển khai như sửa đổi và bổ sung văn bản hướng dẫn công tác quản lý cải tạo, sửa chữa tại các đơn vị; văn bản hướng dẫn phân cấp, quản lý và xử lý tài sản và tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo; sửa đổi văn bản hướng dẫn tuyển bà mẹ; Sửa đổi văn bản hướng dẫn tiếp nhận trẻ;
  •  Văn phòng chưa tuyển dụng được một số chức danh quan trọng do tiền lương chưa hấp dẫn.
 

[1] Theo quy định của Nghị Định 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài