Tháng Giêng 29 2021

17 Làng trẻ em SOS Việt Nam nuôi dưỡng 3.139 cháu

Chiều 29/1, tại Hà Nội, Làng trẻ em SOS Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Làng trẻ em SOS Việt Nam cùng lãnh đạo Cục Trẻ em, Cục Bảo trợ xã hội.

Làng trẻ em SOS Việt Nam đang hoạt động tại 17 tỉnh/thành phố: Bến Tre, Bình Định, Cà Mau, Đà Nẵng, Điện Biên, Gia Lai, Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Bình, Thái Bình, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Tại 17 làng số trẻ em đang nuôi dưỡng 3.139 cháu, trong đó: đang sinh sống trong Làng có 1.925 cháu, sống ở trong và ngoài Lưu xá thanh niên có 640 cháu, đang trong giai đoạn bán tự lập có 409 cháu và được cấp học bổng SOS có 165 cháu.  

Số trẻ em đã dừng hỗ trợ tài chính là 3.398 cháu, trong đó: 1.279 cháu được tái đoàn tụ với gia đình gốc trước thời hạn hoặc nhận dịch vụ chăm sóc chuyên biệt khác; 428 cháu ngừng cấp học bổng SOS và 1.691 cháu đã trưởng thành, hoà nhập cộng đồng (trong đó có 1.011 cháu đã xây dựng gia đình).

Hiện có 232 nhà gia đình đang hoạt động. Trong năm 2020, Làng trẻ em SOS đón mới 154 cháu và dừng hỗ trợ tài chính 132 cháu (70 cháu hòa nhập cộng đồng và 62 cháu được tái đoàn tụ với gia đình gốc hoặc nhận dịch vụ chăm sóc chuyên biệt khác). Có 165 cháu đang được hưởng chương trình cấp học bổng SOS và 23 cháu đã rời chương trình.

Bà Lê Minh Giang, Giám đốc Làng trẻ em SOS Việt Nam.

Năm 2020, Văn phòng SOS Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, các cục, vụ chức năng của Bộ, của SOS Quốc tế, sự phối hợp, hỗ trợ của các Sở LĐTBXH và đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Làng trẻ em SOS Việt Nam đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để Văn phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Uy tín của SOS Việt Nam tiếp tục được củng cố với tổ chức SOS Quốc tế, các nhà tài trợ và các địa phương.

Theo số liệu thống kê, Bộ LĐ-TB&XH và các địa phương cấp kinh phí trên 29,08 tỉ đồng từ ngân sách để hỗ trợ cho Chương trình tăng cường gia đình ở cộng đồng và cấp bù tiền ăn cho trẻ em đang được nuôi dưỡng trong các Làng trẻ em SOS cơ sở. Một số địa phương cấp tiền phụ cấp cho cán bộ, nhân viên, giáo viên và bà mẹ bà dì (TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau, Thái Bình, Hải Phòng, Huế; Từ 1/1/2021 tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ phụ cấp).

Tỷ lệ tự chủ về kinh phí năm 2020 của các trường trong hệ thống Làng trẻ em SOS tăng so với năm 2019, đạt 90,47% kinh phí hoạt động thường xuyên. Số tiền quyên góp tài trợ trong nước vượt chỉ tiêu đề ra, đạt hơn 40 tỉ đồng.

Dưới sự hỗ trợ của Văn phòng, các đơn vị cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 diễn ra. Đa số trẻ em của Làng có ý thức phấn đấu, rèn luyện tốt; chấp hành tốt các nội quy của gia đình, của Làng, của nhà trường. Chất lượng học tập và rèn luyện chung của học sinh đạt yêu cầu. Đội ngũ cán bộ, nhân viên, giáo viên và bà mẹ bà dì đều chú trọng, quan tâm tới công tác nuôi dạy trẻ em. Luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đa số đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, đáp ứng yêu cầu giảng dạy của ngành Giáo dục và Đào tạo, giữ vững uy tín của các thầy cô đối với phụ huynh học sinh và xã hội. Giáo viên tích cực tự học tập, tìm tòi và viết sáng kiến kinh nghiệm.

Định hướng đến năm 2030 của Làng trẻ em SOS Quốc tế đề ra 2 mục tiêu: Làng trẻ em SOS đảm bảo thêm nhiều trẻ em có "Mái ấm yêu thương" và có cơ hội bình đẳng để thành công trong cuộc sống. Làng trẻ em SOS đi đầu trong phong trào bảo vệ, chăm sóc trẻ em hiệu quả đảm bảo "Không trẻ em nào phải lớn lên một mình".

Năm 2021, Làng trẻ em SOS Việt Nam đặt mục tiêu, ít nhất 90% thanh niên trước khi rời sự chăm sóc của Làng trẻ em SOS Việt Nam được trang bị các kỹ năng mềm cơ bản, được định hướng và giáo dục nghề nghiệp. Phấn đấu tuyển dụng bà mẹ, bà dì đạt từ tỷ lệ 80% trở lên so với nhu cầu thực tế đề ra.

Vận động quyên góp từ người đỡ đầu và tài trợ trong nước đạt 43,8 tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 2,5 tỷ đồng cho chương trình Tăng cường gia đình. 90% trẻ em được tăng cường kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ khỏi mọi hình thức xâm hại, bóc lột và bạo lực.

90% CBGVNV, bà mẹ, bà dì được phổ biến và sử dụng thành thạo Bộ công cụ tự đánh giá Chính sách bảo đảm chăm sóc SOS. 70% gia đình được hỗ trợ tăng cường năng lực và cam kết chăm sóc, nuôi dưỡng chất lượng cho trẻ. Tỷ lệ gia đình tự chủ về tài chính và rời chương trình Tăng cường gia đình đạt 20%...

Nguồn: DÂN SINH